Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Thời gian vừa qua đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ để biến tướng thành hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lại, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.
Thế nhưng, từ ngày 1-1-2021 – thời điểm Luật đầu tư (sửa đổi) chính thức có hiệu lực thi hành thì lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng bị “khai tử”.
Theo đó, Luật Đầu tư sửa đổi rút kinh doanh dịch vụ đòi nợ ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và đưa vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.
Kể từ 1-1-2021 doanh nghiệp nào vẫn cố tình kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị phạt tối đa 160 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Tiếp tục giảm lãi suất cho vay xây NOXH
Cũng từ ngày 1-1-2021 doanh nghiệp vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NOXH) sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn so với trước đó là 0,2%/năm.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán là 4,8%/năm. Mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4,3%/năm.
Theo lãnh đạo Cục QLN&TTBĐS, Bộ Xây dựng, cả nước đang thiếu nguồn cung về NOXH. Hiện cả nước chỉ có 206 dự án NOXH với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công.
Mở tài khoản từ xa
Kể từ ngày 5-3-2021, các ngân hàng sẽ chính thức được áp dụng phương thức định danh trực tuyến (eKYC) để mở tài khoản từ xa (online) cho khách hàng thay vì phải đến trực tiếp tại các phòng giao dịch của ngân hàng như lâu nay.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư 16/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 23 về hướng dẫn mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Điểm mới nhất tại thông tư này là chính thức cho phép cá nhân mở tài khoản thanh toán mà không cần phải trực tiếp có mặt tại các ngân hàng như trước đây nhờ phương thức định danh khách hàng điện tử (eKYC).
Thông tư quy định, với hình thức mở tài khoản online, tổng hạn mức giá trị giao dịch (ghi nợ) qua các tài khoản thanh toán của khách hàng đó không vượt quá 100 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, những trường hợp đã qua xác minh thông tin khách hàng thông qua gặp mặt trực tiếp chủ tài khoản hay đối chiếu đặc điểm sinh trắc học của khách hàng với dữ liệu sinh trắc học công dân… thì được phép áp dụng hạn mức cao hơn.
Sẽ sớm khai tử thẻ từ ATM
Theo dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư số 19/2016 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định về hoạt động thẻ ngân hàng, từ ngày 31-3-2021, các tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện việc phát hành thẻ nội địa mới là thẻ chip, không phát hành thẻ nội địa mới là thẻ từ.
Như vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đôn thời gian phát hành 100% thẻ chip mới của các ngân hàng thương mại sớm hơn so với quy định cũ là 9 tháng.
Được biết, đối với lĩnh vực thanh toán thẻ, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng. Việc chuyển đổi thẻ từ thẻ từ sang thẻ chip là xu hướng chung của nhiều thị trường trên thế giới, với mục tiêu tăng cường an toàn bảo mật cho khách hàng. Áp dụng tiêu chuẩn công nghệ thẻ chip sẽ hạn chế tình trạng đánh cắp thông tin thẻ cũng như các nguy cơ mất an toàn khác.
Theo lãnh đạo NHNN, đến 21/12 tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so cùng kỳ 2019. Năm 2020, NHNN ước tính tín dụng sẽ tăng 11%. Từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành 1,5-2%/năm, giảm 0,6-1%/năm trần lãi suất tiền gửi, giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đổi với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, giảm mạnh lãi suất cho vay, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Nhờ đó, tính đến tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. |