Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình doanh nghiệp (DN) qua tác động của dịch COVID-19.
Theo HUBA, thực hiện cách ly xã hội đã ngăn chặn hiệu quả khả năng lây lan của dịch COVID-19 nhưng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì phải giữ khoảng cách an toàn và các biện pháp chống lây lan dịch bệnh, nhiều DN đã phải ngừng một phần hoặc ngừng hẳn hoạt động sản xuất, kinh doanh để đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Một số lĩnh vực còn duy trì được hoạt động nhờ các điều kiện nhà xưởng, nguồn nguyên liệu, khả năng làm việc của người lao động và nhu cầu thị trường của từng loại sản phẩm thuận lợi hơn so với các ngành khác…
Hiện nay, nhiều DN bị thiệt hại có một số nhu cầu được hỗ trợ để khôi phục hoạt động sau dịch gồm: Vay tiền không tính lãi để trả lương, giữ chân người lao động. Vay vốn lưu động ngắn hạn để sản xuất các sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân; vay vốn trung hạn đầu tư đổi mới thiết bị và ứng dụng công nghệ mới và chuyển đổi số phù hợp nhu cầu tái cơ cấu sản xuất, tái cơ cấu DN.
DN cần nhận được thông tin về chính sách hỗ trợ của Nhà nước; các điều kiện để hưởng hỗ trợ và biết được đầu mối giải quyết là những cơ quan nào được phân công để liên hệ...
Tuần qua thực hiện khảo sát nhanh qua online về tình hình DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ, HUBA nhận được ý kiến của 64 DN cho kết quả như sau: Có 73% DN biết đến chính sách nhà nước gia hạn nộp thuế; gia hạn nộp tiền thuê đất và 31% đã tiếp cận; 63% DN biết đến chính sách trợ cấp đối với người lao động ở các DN và 8% DN đã tiếp cận.
58% DN biết đến chính sách tạm dừng đóng BHXH phí công đoàn và 17% số DN đã tiếp cận được; 58% biết đến chính sách DN được vay tiền trả lương người lao động và 34% số DN đã tiếp cận; 53% DN biết đến chính sách ngân hàng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hạ lãi suất cho vay và 28% DN đã tiếp cận.
Về hạn chế, 61% DN cho rằng việc tiếp cận các chính sách chưa được thuận lợi.
Lý do: Có 28% ý kiến cho biết các loại thủ tục còn phức tạp; 14% cho rằng cơ quan hướng dẫn chưa nhiệt tình; 9% DN không có người làm do đã ngưng hoạt động; số còn lại không có ý kiến.
HUBA cho rằng đây là những việc mà thành phố cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan đầu mối giải quyết chính sách hỗ trợ chú ý cải thiện thêm.
Người tiêu dùng chọn mua thịt heo tại siêu thị
HUBA kiến nghị nhà nước hỗ trợ DN phát huy cao nhất khả năng tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường trong nước. Trong đó có giải pháp đi kèm là đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Khuyến khích DN chuyển đổi sử dụng nguyên liệu trong nước, đồng thời với việc đổi mới thiết bị, công nghệ ứng dụng kinh tế số.
Tuyên truyền vận động DN trong nước đoàn kết, sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau để phát triển nội lực. Các gói “mua sắm Chính phủ” chú ý nhiều hơn việc sử dụng sản phẩm trong nước; tạo cơ hội cho DN trong nước hoàn thiện chất lượng sản phẩm…
Thứ hai, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN. Thứ ba, mở rộng đối tượng DN được nhận hỗ trợ với thủ tục đơn giản nhất. Do ảnh hưởng dịch ngoại trừ một số ngành nghề kinh doanh duy trì, thậm chí tăng doanh thu và phát triển được, còn lại hầu hết các DN đều thiệt hại ở các mức độ khác nhau.
Vì vậy, khi xây dựng tiêu chí DN được hỗ trợ đề nghị mở rộng đối tượng, đối xử bình đẳng các thành phần kinh tế và thủ tục đơn giản nhất.
Thứ tư, đề nghị Nhà nước có chính sách sẵn sàng giải cứu DN khi có nguy cơ bị mua lại. Việc kéo dài thời gian nợ thuế đến cuối năm tạo cơ hội khôi phục hồi sản xuất, kinh doanh thay vì 3-5 tháng là quá ngắn. Đề nghị các cảng ở TP.HCM giảm các loại phí, dịch vụ lưu kho… để chia sẻ khó khăn với DN bị thiệt hại.
Thứ năm, đề nghị thành phố lập một tổ công tác để theo dõi đôn đốc giải quyết các chính sách hỗ trợ DN và hỗ trợ người lao động.