Thứ hai, cách làm này thiếu khách quan. Một tiết dạy (với bài thi, sáng kiến kinh nghiệm) hoàn toàn chưa phản ánh được năng lực sư phạm của người giáo viên.
Lý do tiếp theo là cách làm này thiếu tính sư phạm. PGS.TS Hợp cho rằng việc dạy thi làm đảo lộn hoạt động của giáo viên, của lớp học sinh: các em phải làm "quân xanh" cho giáo viên thử (vài ba lần), giáo viên bày cho học sinh nói dối để "tạo tình huống sư phạm". Giáo viên dành thời gian lúc này cho việc luyện tiết dạy, còn lớp học sinh thì đã có giáo viên khác "lo" (do đó mà chất lượng của lớp này sẽ bị ảnh hưởng xấu!)...
Thiếu tính khoa học là lý do thứ tư được vị PGS.TS đưa ra. Ông cho rằng, ở nhiều địa phương, cách bố trí giáo viên dạy (thi) một lớp khác mới mẻ (không phải học sinh của mình) mà đòi hỏi kết quả cao tức thì là không-khoa-học.
Bởi về mặt nguyên tắc, việc dạy học chỉ có kết quả tối ưu khi giáo viên hiểu học sinh, biết được trình độ chung và trình độ riêng của các em, thiết lập được mối quan hệ thoải mái và gần gũi với trẻ... Hơn nữa, việc đánh giá tiết dạy thi giáo viên giỏi lại chủ yếu qua trình diễn của giáo viên mà đáng lẽ ra phải qua kết quả học tập, sự tiến bộ của học sinh.
Cuối cùng, cách làm này cũng thiếu tính tiết kiệm, gây tốn kém cho giáo viên, cho nhà nước…
PGS.TS Hợp bộc bạch: "Nhiều giáo viên gọi điện cho tôi chia sẻ, rằng một số địa phương còn có chuyện "tiêu cực" trong thi giáo viên giỏi. Các mối quan hệ cá nhân của con người Việt Nam mình còn "nặng" lắm, nó chi phối và thậm chí "quyết định" chuyện chuyên môn, do đó, việc đánh giá rất khó công bằng...".
“Còn nhớ, năm 2007 gì đó, tôi chấm thi giáo viên tiểu học giỏi quốc gia mà cười mếu mãi. Ngồi dự giờ, tôi hỏi một em học sinh đã học bài này chưa: "rồi ạ", ai dạy: "cô này ạ", khi nào: "chiều hôm qua ạ"...
Đề xuất bỏ danh hiệu giáo viên giỏi?
PGS.TS Hợp đề xuất: Nếu ngành giáo dục vẫn muốn "làm" danh hiệu "giáo viên giỏi" thì phải có cách làm khác bảo đảm khách quan. Đó là, cần lấy sự tiến bộ, phát triển của học sinh sau một thời gian nhất định (một năm học...) làm thước đo giáo viên: sự chênh lệch đó (tích cực) càng lớn thì chứng tỏ giáo viên đó càng giỏi.
Giờ lên lớp môn Vật lý theo phương pháp dạy học tích cực tại Bắc Giang- (Ảnh: Hạ Anh) |
Chúng ta vinh danh giáo viên không phải chỉ vì giáo viên mà chủ yếu là vì học sinh. Tăng lương, thưởng lớn cho những giáo viên giỏi, nhất là những thầy cô "vực" được nhiều học sinh yếu kém (cả học lực và hạnh kiểm). Nên nhớ, "có thực mới vực được đạo" và khi đó, người được hưởng lợi nhiều sẽ là học sinh”.
Cũng theo PGS.TS Hợp cần tăng lương, thưởng lớn cho hiệu trưởng trường có nhiều giáo viên giỏi. Ngược lại, sau một thời gian nhất định, trường nào không có giáo viên giỏi hoặc số giáo viên giỏi giảm thì Hiệu trưởng phải từ chức. “Đầu tàu” có khỏe thì các toa tàu và hành khách mới ổn.
Tăng ngân sách cho những trường có nhiều và số lượng giáo viên giỏi tăng dần...
Đưa tiêu chí "giáo viên giỏi" như là căn cứ để xét trường chuẩn quốc gia.
PGS.TS Hợp cũng băn khoăn, rằng những đề xuất của mình có tính khả thi rất thấp do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hơn nữa, hiện nay đã có "Chuẩn nghề nghiệp giáo viên tiểu học" rồi, vậy thì, hãy đánh giá giáo viên tiểu học theo những chuẩn do Bộ GD-ĐT qui định.
Nên chăng, không những bỏ thi giáo viên giỏi mà còn bỏ danh hiệu này?
Thế nào là GV giỏi? Nhắc đến câu chuyện giáo viên giỏi, PGS TS Hợp lại nhớ đến những người thầy đặc biệt đã từng được báo chí nêu. Bà giáo Hồ Hương Nam (Quận Tây Hồ, Hà Nội) nghỉ hưu đã dạy thành công những trẻ khuyết tật, trong đó có nhiều em thiểu năng trí tuệ. Sau một thời gian cô giáo hết mình với học trò đặc biệt, các em có nhiều tiến bộ như biết đọc, biết viết, đi học về biết chào hỏi... Ông Lưu Văn Ba, bố em Lưu Hồng Dương, xúc động cho biết, Hồng Dương vừa bị liệt, vừa bị thiểu năng trí tuệ từ nhỏ. Trước đây, tính nết Dương rất cáu gắt nhưng từ khi tham gia lớp học của bà giáo Nam, Dương trở nên thuần tính, dễ bảo. Bây giờ cháu có thể diễn đạt cho người khác hiểu ý của mình, biết các con chữ, con số và cộng trừ đơn giản. “Trên đời này thật hiếm có người như bà giáo Nam, bà như bà tiên của bọn trẻ vậy”, ông Ba bày tỏ. Anh Nguyễn Khắc Luân đang học năm thứ 3 Trường ĐH Mỏ Địa Chất (Hà Nội) thì mắc phải bạo bệnh, rồi phải về quê nuôi cá. Một lần, anh gặp 4 học sinh bỏ học ngồi đánh cờ tướng, hỏi chuyện mới biết 4 em này định bỏ học đi Nam, do hổng kiến thức cơ bản ở lớp dưới nên lên lớp trên các em học không vào. Anh đã khuyên nhủ, động viên và nhận kèm cặp các em. Sau một học kì, sức học của 4 em tiến bộ rõ rệt, nhiều phụ huynh biết tin đã xin gửi con nhờ anh kèm cặp. Thế là lán canh cá của anh trở thành lớp học với 30 em học sinh. Trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 1999, lớp 30 học sinh của anh đã đậu tốt nghiệp 100%. Và trong kì thi ĐH, CĐ và THCN cùng năm đó, lớp học của anh có 27 em đậu vào các trường ĐH, CĐ và THCN(!). Về sau, học sinh xin học tăng dần. Điều đặc biệt là, anh chỉ nhận những học sinh có học lực yếu, trung bình để dạy. Chưa được đào tạo một giờ về sư phạm, nhưng 16 năm qua, anh đã góp phần đào tạo hơn 900 học sinh tốt nghiệp THPT và hơn 630 học sinh thi đỗ ĐH. Trong số này, có nhiều em liên tục 3 năm liền (lớp 10, 11, 12) đều đạt giải Nhất, Nhì học sinh giỏi môn Toán tỉnh Hà Tĩnh như em Trần Văn Anh, Trần Thái Hùng, Phan Thanh Mậu, Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Hoàng Giáp... Những người như bà Hồ Hương Nam, anh Nguyễn Khắc Luân quả là những giáo viên tài giỏi. Điều ấn tượng nhất đối với mình là học sinh của những người này là trẻ khuyết tật, là học sinh yếu, trung bình...Theo mình, biểu hiện quan trọng nhất của một giáo viên giỏi là phát hiện, khơi dậy được trí thông minh, mặt tích cực và những yếu kém trong từng đứa trẻ và giúp trẻ tiến bộ, phát triển vì đó là sản phẩm lao động của người giáo viên”. |