Trước đó, cơ quan chức năng nhận được tin báo của người dân là tại phòng 4.7, lầu 4, tòa nhà của một chi nhánh ngân hàng ở đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.HCM có hoạt động công chứng, chứng thực giấy tờ, tài liệu, đóng dấu Văn phòng công chứng (VPCC) Nguyễn Cảnh. Đáng nói là trụ sở của VPCC này lại ở số 4 Trần Quang Diệu (phường 13, quận 3, TP.HCM).
Mở chi nhánh tại quận khác
Công an quận 9 đã phối hợp với Phòng Tư pháp quận kiểm tra địa điểm trên, phát hiện công chứng viên Nguyễn Thế Tạo (SN 1963, thuộc VPCC Nguyễn Cảnh) và bà Trần Tuyết Nhi (SN 1994, nhân viên thuộc VPCC Nguyễn Cảnh) đang thực hiện việc công chứng, chứng thực các loại giấy tờ liên quan đến đất đai và giấy tờ tùy thân (có thu phí).
Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận như sau: Trước cửa phòng diễn ra hoạt động công chứng của Chi nhánh VPCC Nguyễn Cảnh có gắn hai bảng nhỏ trên tường có chữ “Công Chứng” bằng tiếng Việt và tiếng Anh là “Notarization”. Bên trong phòng có bốn bàn làm việc, một máy photocopy, hai máy tính xách tay.
Theo xác minh của cơ quan công an, ngày 2-5-2018, VPCC Nguyễn Cảnh đã ký hợp đồng hợp tác với một chi nhánh ngân hàng nhằm mục đích phục vụ nhu cầu công chứng, chứng thực cho khách hàng của ngân hàng khi đến làm thủ tục vay vốn. Sau khi ký hợp đồng, VPCC Nguyễn Cảnh đã cử công chứng viên Tạo và nhân viên Nhi đến trực tiếp làm việc tại địa chỉ này. Thời gian đầu chưa có con dấu (dấu tròn thứ hai - NV) nên sau khi kiểm tra hồ sơ công chứng, chứng thực, công chứng viên Tạo ký xác nhận đúng với bản chính và xác nhận chữ ký của khách hàng, sau đó giao cho nhân viên mang hồ sơ công chứng về văn phòng chính ở số 4 Trần Quang Diệu để đóng dấu.
Khai với công an, bà Nhi cho biết bà là nhân viên đánh máy và đóng dấu tại chi nhánh này. Trong ngày 15-10, tại chi nhánh này, ông Tạo và bà đã công chứng, chứng thực khoảng 15 bộ hồ sơ do ông Tạo ký và đóng dấu VPCC Nguyễn Cảnh.
Công an quận 9 đã thu giữ toàn bộ mẫu dấu tại chi nhánh, gồm 18 con dấu các loại, trong đó một dấu tròn có nội dung “VPCC Nguyễn Cảnh” và nhiều dấu vuông để đóng trên bản sao, bản lưu… Ngoài ra, Công an quận 9 cũng thu giữ các hợp đồng thế chấp tài sản, văn bản từ chối nhận di sản, giấy ủy quyền… và một số tài liệu, giấy tờ khác để phục vụ công tác xác minh theo quy định của pháp luật.
Trụ sở Văn phòng công chứng Nguyễn Cảnh tại quận 3, TP.HCM. Ảnh: KP
Không đăng ký, không thông báo
Trình bày với cơ quan công an, ông Mai Ngọc Tâm, người được trưởng VPCC Nguyễn Cảnh ủy quyền điều hành VPCC, cho biết địa điểm phòng 4.7, lầu 4 của chi nhánh ngân hàng ở đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9, TP.HCM do VPCC Nguyễn Cảnh thuê của ngân hàng này. VPCC Nguyễn Cảnh có đề nghị Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM (trước là PC64, nay là PC06) cấp thêm con dấu cho VPCC Nguyễn Cảnh để hoạt động công chứng, chứng thực. Ngày 18-6, VPCC này được cơ quan công an cấp thêm một dấu tròn mang tên VPCC Nguyễn Cảnh và dấu này được giao cho ông Tạo quản lý, sử dụng từ đó cho đến nay.
Ông Tâm cũng thừa nhận với cơ quan công an là việc mở chi nhánh VPCC tại địa chỉ trên không đăng ký hoạt động với Sở Tư pháp TP.HCM và không thông qua chính quyền địa phương.
Xác minh tại PC06 Công an TP.HCM, Công an quận 9 được biết mẫu con dấu thứ nhất (dấu tròn - PV) được PC06 cấp cho VPCC Nguyễn Cảnh hồi tháng 4-2016. Mẫu con dấu thứ hai (dấu tròn - PV) được PC06 cấp cho VPCC Nguyễn Cảnh hồi tháng 6-2018. Theo PC06, việc cấp cho VPCC Nguyễn Cảnh hai mẫu con dấu trên là căn cứ theo khoản 3 Điều 16 Nghị định 99/2016 của Chính phủ. Điều khoản này quy định về việc đăng ký thêm dấu ướt, dấu nổi, dấu thu nhỏ, dấu xi.
Căn cứ kết quả xác minh ban đầu, Công an quận 9 nhận thấy VPCC Nguyễn Cảnh đã vi phạm các quy định khi thực hiện hoạt động công chứng ngoài trụ sở công chứng đã đăng ký theo giấy phép và mang con dấu ra khỏi trụ sở cơ quan, tổ chức.
Mới đây, Công an quận 9 đã chuyển hồ sơ đến Sở Tư pháp TP.HCM để xem xét, xử lý vi phạm hành chính đối với VPCC này.
Để tìm hiểu rõ hơn, PV đã liên hệ với VPCC Nguyễn Cảnh nhưng không gặp được người có thẩm quyền và được hẹn lại sẽ gặp sau khi xếp được lịch.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho biết Sở đang tiến hành xác minh, làm rõ nội dung sự việc để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Văn phòng công chứng đã vi phạm những quy định nào? Theo khoản 1 Điều 44 Luật Công chứng 2014, việc công chứng phải được thực hiện tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này. Theo khoản 2 điều này, việc công chứng có thể được thực hiện ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Theo điểm c khoản 4 Điều 15 Nghị định 67/2015 của Chính phủ (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 110/2013 của Chính phủ), hành vi mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Theo khoản 5 Điều 24 Nghị định 99/2016 của Chính phủ, con dấu phải được quản lý chặt chẽ tại trụ sở của cơ quan, tổ chức; chỉ chức danh nhà nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức mới được quyết định việc mang con dấu ra ngoài trụ sở để sử dụng giải quyết công việc. |