Một vòng 12 con giáp

Cách đây 12 năm tức đúng một con giáp, bóng đá Việt Nam đứng trước thời kỳ đổi mới hệt như năm nay lúc HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt lứa cầu thủ trẻ thi đấu hừng hực với một tinh thần cao. Đó là sau thất bại ở Tiger Cup 2000 và bóng đá Việt Nam chấp nhận làm mới dưới thời HLV Dido xây dựng lứa trẻ chuẩn bị cho SEA Games 21 năm 2001 hướng đến giấc mơ vàng tại Kuala Lumpur.

12 năm trước mới nhưng không đổi

Một vòng 12 con giáp ảnh 1

Hy vọng hình ảnh và sức sống mới của đội tuyển Việt Nam sẽ là tiền đề để thay đổi một bộ máy trong năm Quý Tỵ. Ảnh: QUANG THẮNG

Lứa cầu thủ trẻ khi ấy cũng được xem là mới và ngoan sau khi xóa đi làm lại sau Tiger Cup 2000 thua tệ hại.

Thế nhưng cuối cùng thì triều đại HLV Dido để lại những trận thua muối mặt trong đó có những trận đấu nằm trong nghi án của cơ quan an ninh liên quan đến những trận và những tình huống tự thua.

Sau này trong báo cáo tổng kết của VFF về thất bại đấy có nhấn mạnh việc khoán hết cho HLV nhưng khâu sâu sát với việc quản lý, giáo dục cầu thủ trẻ nên thất bại nặng nề và làm hỏng một thế hệ…

Qua câu chuyện 12 năm trước lại nhớ đến hình ảnh của bóng đá Việt Nam hôm nay thời HLV Hoàng Văn Phúc. Một đội tuyển mới nhập cuộc được khen ngợi đủ điều và đánh giá rất cao về tinh thần. Nói như những nhà làm bóng đá kỳ cựu là một đội tuyển rất sạch và rất sáng.

Có lần tôi ngồi tâm sự với đại diện của Tổng cục TDTT vốn là người am hiểu bóng đá, từng là tuyển thủ đá giải Trường Sơn - ông Phạm Văn Tuấn thì nghe ông tâm sự rất thật: “Bước vào lĩnh vực bóng đá mới thấy đủ thứ phức tạp, thấy đó và muốn đó nhưng đụng tay vào sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Và tôi nói thế không phải để nghĩ rằng khó thì không làm mà phải làm như thế nào để thật hiệu quả. Bóng đá Việt Nam nhiều tiềm năng, nhiều tài năng nhưng để khai thác một cách hiệu quả thì trước hết phải hết lòng và hết mình với cách làm nghiêm túc. Đấy là lý do tôi luôn ủng hộ xu hướng đổi mới và chấp nhận làm mới, làm lại từ sự đồng lòng…”.

Thực tế thì qua nhiều nhiệm kỳ, nhiều đời chủ tịch VFF, rất nhiều người muốn làm lại một cách tử tế nhưng đụng vào những thế lực và những bè phái, quyền lợi nhóm lại thấy bất lực và rút lui. Điển hình thời Chủ tịch VFF Hồ Đức Việt rồi Mai Liêm Trực là những người có uy tín trong xã hội được mời vào để vực dậy nền bóng đá và để đổi mới một bộ máy cũ kỹ thì không bao lâu sau các vị này đều lắc đầu rút lui với lời tâm sự buồn bã. Có vị còn khẳng định bóng đá Việt Nam rất nhiều tiềm năng nhưng với cách quản lý của những người làm bóng đá hoặc lợi dụng bóng đá để làm những việc riêng thì không thể phát triển theo đúng tiềm năng vốn có. Đến giờ câu nói của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực vẫn còn được nhiều người nhắc đến với sự lo âu: “Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội!”.

Một vòng 12 con giáp ảnh 2

Mong những nhà làm bóng đá Việt Nam sẽ không phải uống rượu tự trọng của các cổ động viên yêu bóng đá gửi tặng để nhắc nhở. Ảnh: SONG HẢI

Kỳ vọng vào cái mới từ bộ máy mới và tư tưởng mới

Đến giờ nhiều người vẫn khẳng định rằng mặt bằng ấy thấp do sự tồn tại của quyền lợi nhóm dựa vào miếng bánh bóng đá quá lớn khiến nhiều người quên đi trách nhiệm chính của mình là vào tổ chức xã hội để cống hiến cho bóng đá Việt Nam.

Cuối năm qua, tôi gặp ông Hội phó Hội Cổ động viên Việt Nam Trần Song Hải và được ông này cho biết có sáng kiến sản xuất rượu tự trọng (sản xuất có nhãn hiệu đăng ký chứ không phải mua rượu vang về dán chữ rượu tự trọng như trước đây vẫn làm). Ông Hải nói loại rượu này ông không gửi cho những nhà làm bóng đá thiếu tự trọng nữa nhưng sẽ bán để gây quỹ cho một học viện bóng đá hay để làm những việc thiết thực mà lâu nay những nhà làm bóng đá thiếu lòng tự trọng không làm được.

Khi nghe tâm sự điều đấy, tôi nói với ông Hải đó là một ý tưởng rất “điên” nhưng rõ ràng trong bóng đá cần những ý tưởng và hành động “điên” vì mọi người, hoặc chỉ là vì một nền bóng đá như thế.

12 con giáp hay nói đúng hơn là một chu kỳ, bóng đá Việt Nam hầu như dậm chân tại chỗ với ý tưởng xóa đi làm lại.

12 năm trước những nhà làm bóng đá Việt Nam từng xóa đi làm lại nhưng chưa kịp xóa thì lớp trẻ đã “hòa tan” mà không thu hoạch được điều cần kíp là đổi mới bởi ở trên đã không có tư tưởng đổi mới thực thụ.

Hy vọng lần này với cơ hội mới và sự lạc quan ban đầu sẽ là tiền đề để bóng đá Việt Nam đổi mới thực thụ.

Sự đổi mới không chỉ bắt đầu từ ông HLV trẻ dám làm dám chịu như ông Hoàng Văn Phúc; hay từ lứa cầu thủ trẻ còn sạch và trắng như tờ giấy. Sự đổi mới đấy rất cần từ tư tưởng đổi mới và cách làm mới xóa đi những quyền lợi nhóm, những vụ lợi nơi một bộ máy quy tụ những người giỏi vì bóng đá hơn là vì quyền lợi từ “con bò sữa” bóng đá.

Mong lắm đội tuyển Việt Nam đổi mới sẽ là tiền đề cho hàng loạt đổi mới đặc biệt ở đại hội VFF nhiệm kỳ VII vào giữa năm Quý Tỵ.

Chỗ thiếu lớn nhất

Nhà báo Nguyễn Lưu trong một lần trò chuyện đã hỏi tôi “Điều cần kíp nhất cho bóng đá Việt Nam năm 2013 là gì?”. Và tôi đã chia sẻ với nhà báo lão làng này: “Chỗ thiếu và cũng là chỗ yếu lớn nhất của bóng đá Việt Nam là bộ máy điều hành cồng kềnh chia ra làm nhiều khoảng sân và mỗi người, mỗi nhóm cày trên khoảng sân của mình. Nó cũng giống như việc chia phần để khai thác chứ không phải là việc làm đồng nhất của một bộ máy phục vụ cho một vụ mùa. Và điều tệ nhất chính là căn bệnh ê-kíp, bệnh mac-kê-nô nơi một bộ máy mà mạnh ai nấy khai thác. Vì thế điều quan trọng nhất của năm 2013 là làm sao củng cố, cải tiến một bộ máy vượt ra khỏi quỹ đạo cũ kỹ của các kỳ đại hội VFF và thay vào đó là xây dựng một đội ngũ có chuyên môn tốt, thực sự vì bóng đá, vì cái chung…”. Nghe lời chia sẻ đấy, nhà báo Nguyễn Lưu cũng đồng tình và ông kết luận: “Bóng đá Việt Nam không yếu về con người nhưng yếu về cách làm bởi mục đích của những người làm bóng đá không vì bóng đá…”.

NN

NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm