Một vụ án tòa ngăn chặn sai 2 tài sản

Năm 2014, vợ chồng bà Vũ Thị Liên khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà Trương Thị Hồng Thắm trả hơn 8 tỉ đồng. Bà Liên cho rằng bà Thắm có ý định bán nhà, đất tại quận 2 (TP.HCM) nên yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Tháng 12-2014, TAND quận 2 (TP.HCM) ban hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời cấm bà Thắm thực hiện hành vi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp đối với quyền sử dụng đất nêu trên.

Tòa hủy cả hai quyết định

Cuối năm 2015, phía bà Liên tiếp tục có đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với phần đất của bị đơn tại tỉnh Bình Dương vì cho rằng bà Thắm tặng cho mẹ ruột để né nghĩa vụ trả nợ. Từ yêu cầu này, tòa quận quyết định phong tỏa phần đất này.

Đến năm 2019, TAND quận cho rằng phía bà Liên có văn bản gửi tòa xác nhận yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vợ chồng bà Thắm phải trả tổng số tiền hơn 11,3 tỉ đồng. Tại biên bản định giá ngày 15-10-2019 thì nhà, đất tại quận 2 đang bị kê biên có giá hơn 23,5 tỉ đồng.

Tòa xét thấy giữa số tiền mà phía bà Liên yêu cầu và giá trị nhà, đất tại quận 2 chênh lệch gấp đôi, nếu tiếp tục kê biên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bị áp dụng hoặc bên thứ ba ngay tình. Vì thế, ngày 15-10-2019, tòa án quận ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với nhà, đất này.

Cạnh đó, tòa cho rằng mảnh đất tại Bình Dương bà Thắm đã tặng cho và đã được cập nhật sang tên cho người mẹ vào năm 2012. Theo quy định thì hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ ngày đăng ký. Từ đó, tòa cũng hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với mảnh đất này. Không đồng tình với tòa, bà Liên khiếu nại.

Tháng 11-2019, chánh án TAND quận 2 bác khiếu nại của bà Liên. Theo tòa, việc cấm bà Thắm thực hiện hành vi chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp đối với quyền sử dụng đất tại quận 2 là không đúng vì đây không phải là tài sản đang tranh chấp. Việc phong tỏa mảnh đất tại Bình Dương cũng sai vì tài sản này đã được chuyển nhượng và cập nhật sang tên cho mẹ bà Thắm, thẩm phán hủy bỏ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là có cơ sở.

Bà Liên cho rằng thẩm phán hủy áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì cho rằng giá trị tài sản chênh lệch gấp đôi, còn chánh án thì cho rằng việc áp dụng không đúng vì nhà, đất ở quận 2 không phải là tài sản đang tranh chấp. Hai lý do mâu thuẫn nhau... Với mảnh đất tại Bình Dương, năm 2012 đã đứng tên mẹ bà Thắm, năm 2015 khi phong tỏa tòa đã biết nhưng không hiểu vì sao tòa vẫn ra quyết định rồi sau đó lại hủy vì chính lý do này.

Chánh án nói có sai sót

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Chánh án TAND quận 2 Quách Hữu Thái cho rằng đây là vụ nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán nghĩa vụ theo hợp đồng vay tài sản.

Theo Điều 102 BLTTDS 2004 thì trường hợp này chỉ được áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, không được áp dụng các biện pháp khác như kê biên, cấm chuyển dịch quyền về tài sản… vì quyền sử dụng đất bị yêu cầu áp dụng không phải là tài sản đang tranh chấp.

Theo quy định thì tòa chỉ được phong tỏa tài sản có giá trị tương đương với nghĩa vụ tài sản đó trở xuống. Theo kết quả định giá cho thấy giá trị nhà, đất tại quận 2 quá chênh lệch so với nghĩa vụ nên thẩm phán đã ra quyết định hủy bỏ là đúng.

Cũng theo ông Thái, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đúng phải là phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ, chứ không phải là cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp (mặc dù hậu quả pháp lý của hai biện pháp này không khác gì nhau). Đúng ra ngay từ đầu, thẩm phán phải hướng dẫn nguyên đơn làm lại đơn yêu cầu, nếu không sửa chữa, bổ sung thì tòa trả lại đơn yêu cầu.

Ông Thái cho rằng trong vụ này cả hai biện pháp phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ và cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp đều không đủ cơ sở để áp dụng. Trong quyết định hủy bỏ việc kê biên và quyết định giải quyết khiếu nại có nêu các nội dung trên.

Cũng theo ông Thái, đối với mảnh đất tại Bình Dương, khi đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà tài sản đó đã được chuyển nhượng cho người thứ ba ngay tình thì yêu cầu áp dụng sẽ không được chấp nhận. Thực tế, mảnh đất này đã được chuyển quyền cho người thứ ba, không phải là tài sản đang tranh chấp. Vì thế, không thể áp dụng biện pháp phong tỏa tài sản và cũng không thể áp dụng việc cấm chuyển dịch quyền về tài sản.

Tuy nhiên, có thể do tính khẩn cấp tạm thời nên khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời tòa án đã không biết rõ mảnh đất đã chuyển nhượng cho người thứ ba. Sau khi rà soát lại và thấy việc áp dụng là không đúng thì tòa phải hủy bỏ, kể cả trường hợp đương sự không khiếu nại.

Tòa áp dụng chưa chuẩn

Tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là cấm thực hiện hành vi chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn, thế chấp đối với đất của bà Thắm tại quận 2. Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời này không bắt buộc tài sản bị áp dụng phải là tài sản đang tranh chấp. Vì vậy, quyết định giải quyết khiếu nại cho rằng việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng vì đây không phải là tài sản tranh chấp là không phù hợp. Theo quy định hiện hành thì việc tòa hủy bỏ kê biên với lý do giá trị nhà, đất chênh lệch rất lớn so với nghĩa vụ yêu cầu cũng là không thuyết phục.

Với việc phong tỏa phần đất ở Bình Dương, theo Điều 126 BLTTDS 2015 (Điều 114 BLTTDS 2004), một điều kiện rất quan trọng để áp dụng biện pháp này là tài sản phải thuộc về người có nghĩa vụ. Năm 2015, tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài sản đối với phần đất này khi đã không còn thuộc quyền sở hữu của bà Thắm là chưa đúng, nên việc hủy bỏ biện pháp là hợp lý.

ThS HUỲNH QUANG THUẬN, Trường ĐH Luật TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm