Mưa bão và hiểm họa gây thủy kích ô tô

Tình trạng ô tô "chết nước" vì thủy kích tăng đột biến do ảnh hưởng của bão số 9. Theo kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch, nếu tài xế cố điều khiển xe qua nhưng đoạn nước ngập sâu, xe vô nước mà vẫn đề máy thì chắc chắn xe bị thủy kích, chết máy. Chủ xe cần nhanh chóng đưa xe đến garage tháo máy, hút sạch nước và sửa chữa những bộ phận hư hỏng nếu không muốn tốn hàng trăm triệu đồng nếu để hỏng động cơ của xe. 

Thiệt hại nặng

Kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết ô tô bị thủy kích là khi nước tràn vào đường hút gió và chiếm chỗ của hỗn hợp khí nạp và vì nước không chịu nén nên chính lực ép này đã tạo phản lực làm biến dạng các tay biên và piston. Khi tay biên cong quá sẽ bị gãy, đoạn gãy này sẽ chọc thủng thành động cơ, phá hủy máy xe.
Hệ quả của xe bị ngập nước rất nặng nệ, thiệt hại lớn cho chủ nhân. Cụ thể, nước có hại với các ổ bi, ổ bạc dưới gầm xe, ảnh hưởng đến máy đề, máy phát điện, các cánh quạt, các linh kiện điện, các cảm biến... Nước là kẻ thù số một của động cơ. Nếu nước ngập đến nắp capô, thông qua ống hút gió, nước tràn vào làm máy hỏng và chết máy đột ngột. Đây gọi là hiện tượng thủy kích. Khi đã bị thủy kích, nhẹ thì chỉ phải thay tay biên, nặng thì có thể phải thay cả hệ thống động cơ, hệ thống điện với chi phí không hề nhẹ.
 
"Hậu quả của thủy kích nặng nề nhất là hư hỏng động cơ - trái tim của xe. Chi phí sửa chữa trong trường hợp bị thủy kích thường rất lớn, ít cũng vài chục triệu đồng khi chỉ phải thay tay biên, nhiều có thể lên tới vài trăm triệu đồng nếu chẳng may phải thay cả cụm động cơ mới và toàn bộ hệ thống điện. Chi phí khắc phục sẽ tỉ lệ thuận với mức độ sang trọng và cao cấp của xe bởi giá phụ tùng chính hãng rất đắt" - kỹ sư Tạch nói.

Xe ngập nước đừng cố gắng nổ máy, hãy gọi xe cứu hộ. Ảnh: Internet

Ngoài ra, xe thủy kích thì hệ thống điện cũng bị ảnh hưởng. Sự cố do chập mạch, hỏng hệ thống điều khiển trên xe xảy ra khi nước xâm nhập từ gầm lên sàn xe. Dẫn đến hiện tượng báo lỗi các bộ phận hoặc nhiều chức năng của ô tô có thể hoạt động sai. Xe càng ngập sâu và ngâm lâu trong nước, hệ thống điện càng dễ hư hỏng. Trường hợp nước chỉ tràn vào xylanh cũng nguy hiểm. Lúc này lòng xylanh có thể bị gỉ và sau đó chiếc xe sẽ "uống xăng như uống nước".

Làm gì để hạn chế thiệt hại?

Trong trường hợp xe bạn ngập nước, chưa bị thủy kích thì vẫn còn may mắn, bạn cần gọi xe cứu hộ đưa đi hút sạch nước, hong khô các bộ phận thì chi phí không nhiều. 
Tuy nhiên khi biết xe bị thủy kích, nguyên tắc tài xế phải nhớ thuộc lòng được kỹ sư Lê Văn Tạch cho biết là đừng cố đề máy, càng đề máy, nước càng vào động cơ nhiều hơn, hỏng động cơ thì chỉ có nước thay nguyên động cơ, tốn hàng trăm triệu đồng. Xe đắt tiền thì chỉ có nước mua xe mới.
Vì vậy để hạn chế thiệt hại, khi xe bị thủy kích, tài xế kiểm tra dầu máy và lọc gió, mở nắp capô và quan sát, nếu thấy có nhiều nước đọng ở lọc gió, động cơ hay bình chứa dầu, nguy cơ hiện hữu là xe bạn đã bị nước lọt vào động cơ. Với người bình thường không biết về kỹ thuật, cách tốt nhất là để thợ kỹ thuật kiểm tra và sửa chữa.

Cần bảo dưỡng, chăm sóc ô tô ngay sau khi ngập nước. Ảnh: Internet

Bạn nên yêu cầu kiểm tra thêm các chất lỏng khác như dầu phanh, dầu trợ lực lái, nước mát. Kiểm tra tất cả bộ phận dùng điện như đèn pha, đèn xi nhan, điều hòa, âm thanh, khóa cửa, chỉnh điện cửa sổ, mở cốp điện, chỉnh ghế, gương thậm chí đèn nội thất.
Trước khi di chuyển, kiểm tra kỹ lốp, la-zăng, phanh xem có các mảnh vụn rác, bùn đất, kim loại, thủy tinh hay không. Bùn đất lọt vào đĩa phanh làm giảm hiệu quả phanh và hư hại khi đi thời gian dài. Tốt nhất nên rửa xe thật kỹ vùng này.
Bạn cũng nên nhớ gọi cho hãng bảo hiểm ngay khi xe gặp sự cố để tiến hành các thủ tục chứng minh sự việc, bồi thường sửa chữa hoặc thay thế càng sớm càng tốt để hạn chế thiệt hại cho mình.
Cuối cùng là làm khô nội thất, nếu nước lọt vào nội thất, khả năng phá hủy sẽ rất nhanh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm