Tại hai BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, số trẻ mắc bệnh hô hấp tuy không nhiều bằng đỉnh điểm từ tháng 8 đến tháng 10 (150-200 trẻ/ngày) nhưng số trẻ nhập viện hiện có tăng nhẹ.
Theo BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi đồng 1, mặc dù thời tiết có thay đổi nhưng không phải là mùa cao điểm của bệnh hô hấp ở khu vực phía Nam mà chủ yếu là khu vực miền Trung, Bắc. Mặc dù vậy người lớn và trẻ con cũng không nên chủ quan. Hiện đa số trẻ vào bị viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp trên - dưới. Gần đây, một số trẻ bị biến chứng viêm phổi nặng do sởi phải thở máy và một số trẻ bị lên cơn suyễn nặng.
Trẻ bị các bệnh đường hô hấp đang điều trị tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: TÙNG SƠN
Ngoài việc phải giữ ấm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi, BS Tuấn khuyến cáo phụ huynh nên đưa con đi tiêm ngừa đầy đủ các loại bệnh theo chương trình tiêm chủng mở rộng để tăng cường sức đề kháng bệnh. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người lớn hoặc trẻ khác có triệu chứng viêm đường hô hấp. Đặc biệt lưu ý là không nên tùy tiện cho trẻ uống kháng sinh khi trẻ bị ho, có triệu chứng bệnh hô hấp vì nó không chỉ mất tiền, không làm giảm bớt diễn tiến bệnh mà còn làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh sau này.
TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó Giám đốc BV Nguyễn Trãi, thì cho biết tại BV Nguyễn Trãi, số lượng người già nhập viện gia tăng gấp đôi so với ngày thường. Các bệnh lý vào viện nhiều nhất là viêm mũi họng, đây là bệnh có thể gặp quanh năm nhưng vào mùa lạnh hay gặp nhất với triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho, tức ngực. Tiếp theo là viêm họng mạn, viêm mũi mạn, viêm xoang, gây nhức đầu (có thể dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi). Bệnh viêm phế quản, viêm phổi do vi trùng, bệnh này ở người già thường không có sốt rõ ràng do lạnh, do đó dễ bị bỏ sót, khi phát hiện ra đã rất nặng, suy hô hấp nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, các bệnh nhân có bệnh nền như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (CoPD) thì khi gặp lạnh rất dễ tái phát và có biến chứng như viêm phổi nặng, suy hô hấp…
Mặc dù bước vào mùa đông muộn hơn so với mọi năm nhưng nhiệt độ ở khu vực phía Bắc năm nay lại giảm sâu (ban đêm dưới 10 độ C), thời gian rét kéo dài, độ ẩm thấp kèm theo băng giá khiến nhiều trẻ em và người già phải nhập viện vì các bệnh như viêm phổi, viêm phế quản, tim mạch, tăng huyết áp, đột quỵ… Theo thống kê của khoa Nhi BV Bạch Mai, Hà Nội, số trẻ đến khám, nhập viện tăng cao hơn. Ngày thường có khoảng 200 bệnh nhân phải nằm viện điều trị thì trong những ngày giá rét đã tăng lên 250-300 bệnh nhân.
Ngoài trẻ em, người già cũng là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, chủ yếu là các bệnh viêm phế quản, xương khớp, các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ. BS Nguyễn Văn Long, BV Lão khoa Trung ương (Hà Nội), cho biết mỗi ngày khoa Khám bệnh tiếp nhận gần 100 người đến khám và điều trị, ngày thường chỉ 50-60 bệnh nhân. BS Long khuyến cáo: “Những ngày rét người cao tuổi phải mặc ấm, hạn chế đi ra ngoài, dậy không nên đi ra ngoài ngay, nên tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà. Những bệnh nhân bị tăng huyết áp phải giữ huyết áp ổn định bằng cách tăng liều vì có rất nhiều biến chứng gây nên từ tăng huyết áp”.
HUY HÀ