Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 7 giờ ngày 26-10, vị trí áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) ở vào khoảng 11,1 độ Vĩ Bắc; 111,6 độ Kinh Đông, cách Khánh Hòa khoảng 300 km, cách Ninh Thuận khoảng 280 km.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6-7 (40-60 km/giờ), giật cấp 9. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 100 km tính từ tâm ATNĐ.
Tỉnh Khánh Hòa cảnh báo sạt lở tại TP Nha Trang. Ảnh: CÔNG NGUYÊN
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi vào khu vực từ Khánh Hòa đến Bình Thuận và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.
Đến 7 giờ ngày 27-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 11,6 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Khánh Hòa đến phía Bắc Bình Thuận. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trước diễn biến của ATNĐ, tỉnh này đã chủ động lên các phương án chủ động ứng phó để đảm bảo an toàn cho người dân.
Từ 6 giờ ngày 24-10 đến 17 giờ ngày 25-10 trên địa bàn Khánh Hòa có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biển từ 80-100 mm. Tổng số tàu thuyền trên địa bàn Khánh Hòa có 3.363. Tỉnh đã kêu gọi và thông báo số tàu thuyền này vào bờ và có có phương án đảm bảo an toàn. Bộ đội biên phòng đã phối hợp chính quyền địa phương kêu gọi, sơ tán 4.500 lao động đang làm việc trên bè, lồng nuôi thủy sản.
Tỉnh Khánh Hòa có sáu điểm nguy cơ sạt lở cao với 448 hộ với 5.070 người đã được sơ tán đến khu vực an toàn. Tỉnh Khánh Hòa dự kiến sơ tán 1.794 hộ với 7.320 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ ảnh hưởng ngập lụt. Học sinh tại tỉnh Khánh Hòa đã nghỉ học để đảm bảo an toàn.