Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 1 giờ ngày 25-10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 140 km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 giật cấp 8.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 1 giờ ngày 26-10, vị trí tâm bão trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão. Ảnh: Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia)
Trong 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km, đi vào khu vực từ Bình Định đến Bình Thuận, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với diễn biến của bão, chiều 24-10, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hòa đã ban hành công điện khẩn.
Nội dung công điện đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa tiếp tục tổ chức kiểm đếm, giữ thông tin liên lạc và kịp thời thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của vùng áp thấp để chủ động thoát ra hoặc không di chuyển vào vùng nguy hiểm. UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Chỉ huy phối hợp tổ chức hướng dẫn việc neo đậu, sắp xếp tàu thuyền tại các khu tránh trú; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Tỉnh Khánh Hòa đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các xã, phường kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu, chủ động thông tin, cảnh báo đến người dân khi có mưa lớn xảy ra; chủ động bố trí lực lượng sẵn sàng triển khai sơ tán dân ra khỏi các khu vực xung yếu, nguy hiểm, trong đó cần kết hợp biện pháp sơ tán dân vừa đảm bảo an toàn trong thiên tai và phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Cùng đó là tổ chức rà soát, thống kê số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển để triển khai các biện pháp ứng phó, sơ tán dân khi cần thiết. Chỉ đạo các đơn vị thi công triển khai các biện pháp phòng chống mưa lũ, thiên tai nhằm đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động và các hạng mục công trình đang thi công.
Các đơn vị quản lý hồ chứa tiếp tục tổ chức trực ban 24/24, theo dõi diễn biến thời tiết để tính toán lưu lượng nước về hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
Ban Chỉ huy phối hợp với các địa phương bị ảnh hưởng do xả lũ hồ chứa thực hiện thông tin, cảnh báo tình hình điều tiết, xả lũ để các địa phương nắm bắt, chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm khi có thiên tai, mưa lũ xảy ra.
Khẩn trương khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng xuất hiện trên thân đập, tràn xả lũ, hệ thống cống rãnh, tiêu thoát nước tại các đập, hồ chứa nước; thường hường xuyên theo dõi kiểm tra các hạng mục công trình khi có mưa lũ lớn xảy ra để chủ động triển khai các biện pháp xử lý kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho công trình.