Ngày 28-3, NHNN đã công bố dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Theo dự thảo, NHNN sẽ xem xét, quyết định đặt tổ chức tín dụng (TCTD) vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi TCTD lâm vào một trong các trường hợp: Mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro hoặc Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, tổng giám đốc (Giám đốc) vi phạm pháp luật;
Khi số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; hai năm liên tục bị xếp loại ở mức xếp loại thấp nhất theo quy định của NHNN. Không duy trì được tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN trong thời hạn một năm liên tục hoặc tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong thời hạn sáu tháng liên tục;…
Dự thảo cũng quy định NHNN yêu cầu TCTD yếu kém thuê kiểm toán độc lập để đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực của vốn điều lệ. Căn cứ kết quả kiểm toán độc lập về giá trị thực của vốn điều lệ, Ban kiểm soát đặc biệt trình Thống đốc NHNN quyết định giá trị thực của vốn điều lệ của TCTD yếu kém và mức vốn cần được bổ sung để bảo đảm giá trị thực của vốn điều lệ tối thiểu bằng mức vốn pháp định.
Nếu các TCTD không hoàn thành việc tăng vốn trong thời hạn theo yêu cầu của NHNN thì NHNN xây dựng và trình Chính phủ quyết định phương án mua bắt buộc TCTD yếu kém. Theo đó, nội dung mua bắt buộc gồm: Chủ thể mua và giá mua 0 đồng.
NHNN cũng đưa ra các phương án sau khi mua TCTD với giá 0 đồng, gồm phương án tăng vốn, phương án kinh doanh phù hợp với thực trạng; phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân; tiền gửi và tiền vay của TCTD khác;…
Theo NHNN, qua thời gian thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”, NHNN nhận thấy các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức. Sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống TCTD vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề. Đó là hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, nhiều TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Tỉ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31-12-2016, tỉ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do Công ty mua bán các TCTD (VAMC) quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết.