Tuy được công nhận là chủ hợp pháp một căn nhà ở quận 7, TP.HCM nhưng bảy năm nay, bà Phạm Thị Bình (tạm trú tại 1461 đường Phạm Thế Hiển, quận 8) vẫn chưa thể xây cất nhà.
Vướng tranh chấp nhiều năm
Năm 2001, bà Bình mua của ông Trần Quốc Phương một phần nhà, đất tại 347A/8 đường 47, phường Tân Quy (87 m2) đã được cấp “giấy hồng”. Ngày 9-7-2001, sau khi đã công chứng hợp đồng mua bán nhà, nộp đủ thuế chuyển quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ, bà Bình được sang tên nhà. Tháng 8-2001, bà được UBND quận 7 cấp giấy phép xây dựng nhà (một trệt, ba lầu).
Đang chuẩn bị xây dựng thì bà Bình được Thanh tra quận 7 cho biết nhà, đất này đã có tranh chấp từ năm 1995 và đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Tá hỏa, bà đi tìm hiểu thì mới hay miếng đất trên nằm trong thửa đất 320 m2 của ông Nguyễn Văn Bảnh. Do thiếu ông Sinh 14 lượng vàng nên ông Bảnh đã thế chấp đất cho ông Sinh trong thời hạn năm tháng, kèm theo thỏa thuận “Nếu ông Bảnh không có khả năng chi trả thì diện tích đất trên thuộc về ông Sinh”. Giấy thế chấp đất này được UBND xã xác nhận ngày 3-8-1994.
Ngoài ra, do còn mắc nợ ba người khác nữa nên ông Bảnh cũng làm giấy cam kết sang nhượng và phân chia diện tích đất đó cho ba người. Như vậy, dù chỉ có một thửa đất nhưng ông Bảnh đã làm giấy thế chấp, sang nhượng đến hai lần cho các chủ nợ.
Sau đó, hai chủ nợ đã khởi kiện ông Bảnh và TAND quận 7 đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận giữa các đương sự theo hướng ông Bảnh phải trả nợ. Song ông Bảnh cũng không trả nợ mà vào năm 2003 lại ký hợp đồng hứa bán đất cho họ và một trong hai người đã được cấp “giấy đỏ” (cuối năm 2006, UBND quận 7 đã thu hồi giấy này vì cấp sai đối tượng). Sau đó, hai người này đã bán đất cho ông Phương.
Cơ quan thẩm quyền làm sai
Đầu năm 1999, sau khi tự cất lên một căn nhà không phép, ông Phương đã lập hồ sơ xin cấp “giấy hồng” với diện tích 187 m2. Hồ sơ xin hợp thức hóa nhà, đất được UBND phường, quận xác nhận không tranh chấp, phù hợp quy hoạch. Năm 1999, UBND TP.HCM đã cấp “giấy hồng” cho ông Phương. Đến năm 2001, ông Phương đã bán lại một phần nhà, đất cho bà Bình.
Tính ra việc cấp “giấy hồng” trên là sai quy định vì vào thời điểm năm 1999, nhà, đất ấy còn đang bị tranh chấp. Năm 1995, hai người chủ nợ được ông Bảnh “cam kết chuyển nhượng” đất đã khiếu nại việc ông Sinh tự ý bán đất của họ và UBND xã đã chuyển hồ sơ lên quận xem xét, giải quyết. Tiếp đó năm 1998, ông Bảnh đã gửi đơn khiếu nại việc ông Sinh tự ý bán đất và yêu cầu UBND quận 7 buộc người mua trả đất cho ông...
Chính vì không nắm sát tình hình, xác nhận sai sự thật mà các cơ quan chức năng như UBND phường Tân Quy, Phòng Quản lý đô thị quận 7, UBND quận 7 đã hợp thức hóa nhà, đất cho ông Phương, giúp ông Phương bán nhà đất cho hai người (trong đó có bà Bình).
Cuối năm 2007, để giải quyết đơn khiếu nại của ông Sinh, UBND TP.HCM đã ra quyết định không công nhận việc thế chấp, phân chia đất, chuyển nhượng đất giữa các bên nói trên, kể cả việc - chuyển nhượng đất giữa ông Phương với bà Bình. Các tranh chấp về tiền, vàng giữa các cá nhân do TAND quận 7 xem xét, giải quyết. Đồng thời với việc thu hồi và hủy bỏ “giấy hồng” đã cấp cho ông Phương, UBND TP.HCM cũng quyết định giữ nguyên hiện trạng 320 m2 đất tranh chấp, tạm giao cho UBND quận quản lý, chờ phán quyết của TAND quận về việc khởi kiện của các bên có liên quan.
Bà Bình ấm ức: “Trước khi mua nhà, tôi đã tìm hiểu kỹ lưỡng về tình trạng pháp lý của căn nhà và phải chờ khi được các cơ quan thẩm quyền xác nhận “nhà hợp pháp, không ai tranh chấp...”, tôi mới mua. Thế mà giờ tôi lại gặp nạn. Nhất định những cơ quan đã làm sai phải cùng chia sẻ với tôi về những thiệt hại đã gây ra cho tôi chứ không được làm khác hơn!”
Người bán nhà bị kiểm điểm nghiêm túc Ông Trần Quốc Phương, người bán nhà cho bà Bình, là một cán bộ Phòng Quản lý đô thị quận 7. Theo UBND TP.HCM, ông Phương đã vi phạm Luật Đất đai, lợi dụng chức năng của mình để hợp thức hóa nhà, đất đang có tranh chấp, làm cho tình hình vụ việc phức tạp nên cần phải kiểm điểm nghiêm túc. |
KIM PHỤNG