Ngày 3-6, Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai (Ban chỉ đạo) tổ chức cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022.
Năm nay, mưa lũ ở miền núi phía bắc phức tạp
Thông tin tại cuộc họp, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, cho biết trong 2-3 ngày tới, sau khi xuất hiện nắng nóng tại Bắc bộ và Trung bộ, Bắc bộ sẽ xuất hiện một đợt mưa giông diện rộng, lượng mưa trung bình khoảng 100-250mm.
Dự báo xa hơn, ông Khiêm cho biết trong tháng 6, khu vực Bắc bộ, đặc biệt là khu Tây Bắc, Việt Bắc sẽ có lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-30%. Tháng 7, cao hơn 10-30%, tháng 8 cao hơn 5-15%, tháng 9 cao hơn 15-30%, riêng tháng 10-11, lượng mưa ở Bắc bộ thấp hơn từ 15-20% so với trung bình nhiều năm.
Ứng với lượng mưa như vậy, mùa mưa lũ năm 2022 ở lưu vực sông Hồng sẽ xuất hiện sớm hơn. Đỉnh lũ trên các sông suối ở lưu vực sông Hồng cũng cao hơn năm 2021. Đỉnh lũ trên lưu vực sông Đà xấp xỉ trung bình nhiều năm, nhưng cao hơn so với năm 2021.
Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp rà soát công tác chuẩn bị vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng năm 2022 ngày 3-6. Ảnh: NGỌC HÀ |
Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết, với dự báo như trên, năm nay, khu vực miền núi phía Bắc diễn biến phức tạp, lượng mưa từ tháng 7 đến tháng 9-2022 cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 15-30%, có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn các hồ thủy điện thuộc liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Hiện nay mực nước hồ chứa Tuyên Quang và Sơn La đang cao hơn so với mực nước cao nhất trước lũ cho phép trong thời kỳ lũ sớm (15/6-19/7). Mực nước hồ Hòa Bình đang lên, đến 22 giờ ngày 2-6 mực nước đã vượt mức nước cho phép trước lũ, nên cũng phải sẵn sàng phương án điều tiết xả lũ về hạ du. Hồ Thác Bà đang ở mực nước thấp.
Cụ thể, đối với hồ Tuyên Quang, đã mở hai cửa xả đáy vào chiều 1-6 và sáng 2-6. Thông số hồ lúc 7 giờ sáng nay vẫn cao hơn mực nước cho phép là 11,85m. Hạ du đảm bảo an toàn, chưa ảnh hưởng đến nuôi trồng thuỷ sản.
Với hồ Sơn La, đến 7 giờ sáng nay, mực nước cao hơn mực nước cho phép 6,04m; hồ Hoà Bình cao hơn 0,24m; hồ Thác Bà thấp hơn mực nước cho phép 4,38m.
Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo đã ký hợp đồng với sáu đơn vị tư vấn để tính toán hỗ trợ ra quyết định điều hành liên hồ chứa trong mùa lũ từ 15-6-2022 đến 15-9-2022. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác trực ban vận hành hồ chứa trong năm 2022.
Đảm bảo an toàn, sử dụng nguồn nước hiệu quả
Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết hiện nguồn nước trên các hệ thống sông đang về rất tốt nên công suất của phần lớn các hồ thuỷ điện được chạy tối đa, đặc biệt các nhà máy thuỷ điện trên sông Đà, công suất chạy 24/24 giờ.
Ông Hải cho biết, năm nay, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện như than tăng giá rất cao, dẫn đến giá thành sản xuất điện tăng cao.
Hồ thuỷ điện Tuyên Quang đã mở hai cửa xả đáy vào chiều 1-6 và sáng 2-6. Ảnh: XUÂN TIẾN |
“Giá than nhập khẩu đã tăng gấp 5 lần. Nếu điện mà chạy bằng than thì giá thành lên tới 4.000 đồng/kwh, trong khi đó thuỷ điện chưa đến 1.000 đồng/kwh” - ông Hải nói và đề xuất ngoài yếu tố đảm bảo an toàn về thiên tai, Ban chỉ đạo có những tính toán để sử dụng hiệu quả nguồn nước trên các hệ thống sông.
Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, cho biết Ban chỉ đạo đã xây dựng các kịch bản ứng phó và các cấp báo động dựa trên các đánh giá, dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia.
Từ cách đây một tháng, Ban chỉ đạo đã có công văn yêu cầu các chủ hồ, địa phương dọn dẹp lòng hồ để sẵn sàng cho việc xả lũ. Đồng thời, ông Hoài cũng cho hay sẽ chỉ đạo xây dựng một nhóm trên Zalo để chia sẻ các thông tin về mực nước, lượng mưa tự động trên tất cả hệ thống sông ở tất cả các địa phương. Phó trưởng Ban chỉ đạo cũng đề nghị các chủ hồ bổ sung thêm một số thông tin, cơ sở dữ liệu, như dữ liệu thông tin động đất ở Sơn La, thông tin về an toàn hồ đập trên bậc thang sông Đà, thông tin về hồ chứa nhỏ...
“Đề nghị các chủ hồ rà soát lại các thiết bị quan trắc, những thiết bị quan trắc hiện nay của các hồ khi kiểm tra thì nhiều cái không vận hành, hoặc thiếu” - ông Hoài nhấn mạnh.
Về đề xuất của các nhà máy thuỷ điện, EVN, ông Hoài cho biết việc vận hành liên hồ chứa hiện nay đều thực hiện theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019.
Ông đề nghị EVN, Bộ Công Thương có văn bản đề xuất tới Thủ tướng, khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng thì Ban chỉ đạo sẽ kết hợp bàn bạc với đội ngũ tư vấn, dự báo đưa ra các phương án để triển khai, thực hiện. Về công tác vận hành thời gian tới, ông Hoài đề nghị các đơn vị tư vấn kiểm tra lại để đảm bảo việc vận hành từng thời điểm cho phù hợp.