'Mua xe hơi có thể dễ nhưng mua thuốc thì khó'

Ngày 29-10, Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, do ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã làm việc với Bộ Y tế.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết hiện có ba quy luật đang chi phối thuốc Việt: Thứ nhất là kinh tế - tiền nào của ấy, thuốc chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì nhiều người mua và ngược lại; thứ hai là đặc thù công nghệ. Yếu tố công nghệ, kỹ thuật trong y tế rất quan trọng, nội soi phải dùng robot, công nghệ nước ngoài. Không nên gây ấn tượng cái gì cũng phải dùng hàng nội.
Cuối cùng là quy luật nhân văn. Thuốc sản xuất trong nước phát triển được hay không một phần phụ thuộc vào các bác sĩ. Mua xe hơi có thể dễ nhưng mua thuốc thì khó. Người VN mua thuốc VN còn tùy thuộc vào thầy thuốc. Người bệnh không nghe người bán hàng, mà nghe thầy thuốc.
Tại buổi làm việc, thay mặt doanh nghiệp sản xuất thuốc trong nước, ông Trần Túc Mã, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Trapharco, báo cáo với đoàn kiểm tra một số vấn đề còn tồn tại. Cụ thể, dù nhiều sản phẩm của công ty này đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” do hội đồng bình chọn của Bộ Y tế xét tặng nhưng những sản phẩm đó lại ít trúng thầu vào các cơ sở y tế công lập, nếu trúng thầu thì cũng gặp nhiều khó khăn bởi số điểm cộng ít. Doanh thu bán hàng sụt giảm (trước đây tỉ lệ thuốc nội trúng thầu vào bệnh viện công lập là 30%, nay chỉ còn 10%; doanh thu vào bệnh viện công lập từ 30% giảm xuống còn 12%).
Ông Mã cho rằng vì trong luật đấu thầu chưa có chính sách ưu tiên cho những thuốc có chứng minh hiệu quả điều trị nên những sản phẩm dù có đạt danh hiệu “Ngôi sao thuốc Việt” thì cũng không được thêm điểm trúng thầu. Vì vậy các doanh nghiệp trong nước rất cần để tách bạch những loại thuốc có chất lượng với những loại thuốc bình thường khác. “Nếu bạn mua ô tô BMW, rõ ràng giá đắt hơn nhiều lần xe Matiz nhưng kiểm tra chất lượng thì xe Matiz vẫn đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở kiểm tra chất lượng thì chưa đủ” - ông Túc đưa ra ví dụ.
Kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận Bộ Y tế là đơn vị triển khai chủ trương này rất đồng bộ, quyết liệt và có kết quả. Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam” là chương trình cụ thể của cuộc vận động lớn này. 10 năm trước chưa ai nghĩ VN có thể xuất khẩu vacxine nhưng nay LHQ đã đặt hàng. Về vấn đề thực phẩm chức năng, VN đã chiếm 61%, cũng là tiến bộ đáng mừng. Trang thiết bị y tế cũng đang phát triển, các DN sản xuất trong nước có nhiều sản phẩm được ứng dụng...
Tuy nhiên, dù có giải pháp tuyên truyền khá mạnh mẽ, xây dựng chính sách cụ thể nhưng Bộ Y tế chưa có chế tài đối với những người không thực hiện. Hiện chỉ có 25 tỉnh/thành Sở Y tế hưởng ứng đề án “Người VN ưu tiên dùng thuốc VN”, tỉ lệ thấp này có lẽ do chưa có chế tài. Ông Nhân cũng đề nghị Bộ Y tế nên có giải thưởng cho báo chí góp phần vào chương trình này, vì "báo chí nói một câu bằng mình nói một ngày".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới