Liên quan đến “hồn” xe rác y tế nhưng “da” là xe chở rác thông thường mà Pháp Luật TP.HCM đã thông tin vào ngày 11-6, ông Đặng Quế Hùng, Giám đốc Xí nghiệp ô tô chuyên dùng An Lạc (thuộc Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn TNHH MTV, SP.Samco), cho biết cuối năm 2011, SP.Samco tham gia đấu thầu rộng rãi cung cấp 13 xe vận chuyển rác. Theo nội dung mời thầu (của Ban Quản lý (BQL) dự án hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, thuộc Bộ Y tế), SP.Samco đưa ra mẫu xe chuyên chở rác sinh hoạt thông thường, loại xe 2,4 tấn, đóng trên nền động cơ và sắc xi của xe Mitsubishi (Nhật Bản).
Ghi xe rác y tế… “tương thích”
“Tuy nhiên, khi tham khảo nội dung dự thảo hợp đồng do BQL dự án đưa ra, chúng tôi thấy ghi là xe chở rác y tế. Đây là loại xe (cũng đóng trên nền máy và sắc xi của xe Mitsubishi nhưng kết cấu đơn giản hơn chỉ gồm thùng kín, có gắn máy lạnh và bàn nâng gắn ở đuôi thùng xe…) mà SP.Samco từng đóng, bán trong nước và ngoài nước. Vì vậy, chúng tôi thắc mắc là cần xe chở rác y tế hay xe chở rác thông thường thì đại diện BQL nói cứ là xe chở rác thông thường nhưng trong hợp đồng sẽ ghi là xe vận chuyển rác y tế để cho… “tương thích” với dự án” - ông Hùng lý giải.
Trong hợp đồng và quyết định giao xe ghi rõ “xe rác y tế” song thực tế các địa phương nhận là xe rác sinh hoạt. Ảnh: HOÀNG NAM
Cuối cùng, hợp đồng giữa Samco và BQL được ký kết với giá trị mỗi xe hơn 910 triệu đồng (cùng thời điểm này, giá xe thùng kín chuyên chở rác y tế với dung tích thùng tương đương chỉ 650 triệu đồng/xe). Tổng gói thầu có 13 xe với hơn 11,8 tỉ đồng. “Là đơn vị chuyên đóng, cung cấp các loại xe chuyên dùng, SP.Samco hiểu rõ thế nào là xe chở rác thông thường, xe nào chở rác y tế. Rác y tế được phân loại, để riêng ngay từ phòng khám, giường bệnh phòng mổ và khi chuyển ra thùng xe chuyên chở rác y tế để đưa đi xử lý thì các loại rác trên cũng được để trong từng thùng riêng chứ không thể lẫn lộn, tống hết lên xe chở rác thông thường, ép lại rồi chở đi được. Sau khi các xe được đưa về các bệnh viện, SP.Samco có đi kiểm tra, bảo hành thì mới hay nhiều xe không được sử dụng. Chúng được để trong bãi, không chăm sóc bảo dưỡng nên tự xuống cấp, hoen rỉ, hư hỏng… mà xót của vô cùng” - ông Hùng nói.
“Có BV nhận xe rồi trùm mền”
Trước thực tế này, bà Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc BQL dự án hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long, lý giải: “Dự án 13 xe chở rác y tế cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB). Dự án này được triển khai từ năm 2006 và kết thúc vào năm 2012. Trước khi xây dựng, đề xuất đã có khảo sát kỹ, đồng thời trong quá trình thực hiện, dự án cũng làm việc chặt chẽ với các đơn vị thụ hưởng”.
. Nhu cầu sử dụng xe chở rác thải y tế ở các bệnh viện (BV) không cấp thiết, trong khi họ cần xe cấp cứu và nhiều trang thiết bị khác hơn lại không được đáp ứng, thưa bà?
+ Trong quá trình thực hiện dự án, một năm có ít nhất hai lần các thành viên của WB vào làm việc, khảo sát. Đặc biệt, chúng tôi cũng dựa trên đề nghị của các đơn vị gửi lên, đầu tiên BV gửi lên Sở Y tế rồi các Sở Y tế gửi lên BQL trung ương để tổng hợp. Họ có nhu cầu thì mới mua, không phải BQL mua rồi ép các BV nhận.
Việc mua xe chở rác trên nằm trong các quyết định của Chính phủ. Quy trình mua xe cũng được thực hiện chặt chẽ, thông qua việc xin ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT rồi sau đó trình Thủ tướng.
Gỡ lãng phí vẫn theo… quy trình!
. Nhưng vì sao các BV lại nhận được xe chở rác thông thường chứ không phải xe chở rác y tế chuyên dụng?
+ Theo tôi hiểu, hiện nay ở Việt Nam chưa có xe chuyên dụng để chở rác y tế. Ranh giới giữa xe chở rác và xe chở rác chuyên dụng không rõ ràng (?!).
Tuy vậy, chúng tôi thực hiện theo đúng quy trình đấu thầu, mua xe chở rác y tế chứ không phải xe chở rác thông thường (điều này hoàn toàn khác biệt với thông tin từ đơn vị cung cấp xe, cũng như thực tế các xe đã giao cho BV - PV). Theo quy trình, ngay từ khi hồ sơ mời thầu mình đã phải xây dựng theo quy trình của xe ô tô vận chuyển rác y tế rồi.
. Trước thực trạng nhiều BV “trùm mền” các xe chở rác và mong muốn được gỡ “gánh nợ” để tránh lãng phí thì sẽ giải quyết ra sao, thưa bà?
+ Tôi cũng nghe phản hồi từ một số địa phương, trong 13 xe cũng có hai, ba cái BV không sử dụng, chỉ để không xe từ khi nhận về. Tuy nhiên, có những BV sử dụng hiệu quả bằng việc kết hợp với các công ty môi trường và hai bên cùng có lợi.
Còn việc chuyển đổi thì phải làm theo quy trình của Chính phủ về xử lý các tài sản khi dự án kết thúc. Các BV mong muốn thế là đúng. Các tỉnh cũng có hỏi tôi về việc chuyển mục đích sử dụng nhưng vẫn phải thực hiện quy trình. Tôi được biết Bộ Tài chính đang xử lý toàn bộ các tài sản của dự án khi kết thúc. Nhưng riêng loại xe này (cùng xe cứu thương, xe công tác trong dự án) thì Bộ Tài chính chưa có quyết định giao cho UBND tỉnh quyết định, trả lại cho Bộ Tài chính hay thế nào.
Một nguyên lãnh đạo của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết xe chở rác thải y tế và xe chở rác thông thường hoàn toàn khác nhau. Theo quy định về điều kiện hành nghề vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại của Bộ TN&MT thì thiết kế của xe chở rác thải y tế (chất thải nguy hại) phải đảm bảo các yếu tố để chất thải y tế không bị rơi vãi, phát tán mùi hôi trong quá trình vận chuyển đến nơi xử lý. Ngoài ra trên thùng xe còn có dấu hiệu cảnh báo, phòng ngừa chứ không như các xe chở rác sinh hoạt. |