Theo quan sát của phóng viên, nhiều chiếc xe chở rác với giá trị mỗi xe hơn 1 tỉ đồng ở nhiều bệnh viện (BV) ở miền Tây đang nằm xếp xó, làm nơi chuột, gián trú ngụ. Điều lưu ý, các xe rác này thuộc dự án “hỗ trợ y tế vùng đồng bằng sông Cửu Long”, sử dụng nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới.
Tưởng “hàng” ngon hóa của… nợ!
Trước đó, cuối năm 2011, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên có quyết định giao 13 xe vận chuyển rác y tế cho 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, sau khi nhận xe, các địa phương mới dở khóc dở cười. “Trước đó nghe Bộ nói là xe chở rác y tế chuyên dụng chúng tôi rất mừng nhưng sau khi nhận được lại là xe chở rác sinh hoạt thông thường nên không thể sử dụng được” - đại diện Sở Y tế tỉnh Long An cho biết.
Theo ghi nhận của phóng viên, chiếc xe chuyên dụng tiền tỉ này đang “trùm mền” tại BV Đa khoa Long An trong gần bốn năm qua. Do xe không được sử dụng trong thời gian dài nên nhiều bộ phận của xe bị rỉ sét, bong tróc sơn và hư hỏng. Điều trái khoáy đây là xe trị giá cả tỉ đồng lại bỏ không một cách lãng phí, trong khi BV này đang thiếu thốn nhiều trang thiết bị chưa được trang bị kịp thời, nhiều máy móc hư hỏng vận hành chập chờn vì thiếu kinh phí sửa chữa. Trước thực trạng này, lãnh đạo BV Đa khoa Long An đề nghị Sở Y tế tỉnh sớm kiến nghị thu hồi chiếc xe này dùng cho việc khác, tránh gây lãng phí nhưng vẫn chưa được giải quyết.
Tương tự, ông Từ Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cũng than: “Tiếc xe, sợ đậu lâu một chỗ sẽ mau hư nên chúng tôi phải kê xe lên cao, rồi lâu lâu hạ xuống vận hành để máy móc không bị rỉ sét. Chúng tôi đã nghĩ đến phương án giao cho đơn vị khác như công trình đô thị nhưng không ổn vì xe này là xe thuộc tài sản của dự án, không phải của tỉnh nên muốn giao nhận gì thì phải do dự án quyết định”.
BV Đa khoa Long An “trùm mền” chiếc xe chở rác này nhiều năm và không buồn đi đăng kiểm lại, dù đã quá hạn hơn cả năm. Ảnh: HOÀNG NAM
Xe chở rác y tế chính hiệu có nhiều điểm khác biệt lớn với “xe chở rác y tế” do Bộ Y tế cấp cho 13 bệnh viện ở miền Tây. Ảnh: CTV
Thừa xe rác, thiếu xe cấp cứu
Tại BV Đa khoa Tiền Giang, ông Tạ Văn Trầm, Giám đốc BV, cho biết sau nhiều năm xe “trùm mền”, BV đã đề nghị tỉnh tạm giao xe cho các đơn vị khác có nhu cầu. Sau đó UBND tỉnh đã đưa xe này về UBND huyện Gò Công Tây để chở rác sinh hoạt. Tương tự, ông Trình Minh Hiệp, Phó Giám đốc BV Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre), cho hay ngay sau khi nhận xe thì BV ký hợp đồng giao… xe cho Công ty Công trình đô thị chở rác sinh hoạt cho BV.
Theo tìm hiểu của phóng viên, quyết định của Bộ Y tế nêu rõ “xe chở rác y tế”. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế tỉnh Long An khẳng định chiếc xe nhận được rõ ràng là xe chở rác sinh hoạt. “Về cơ bản, thiết kế kỹ thuật của xe chở rác y tế và xe chở rác sinh hoạt khác nhau hoàn toàn. Cụ thể, rác thải y tế là chất thải nguy hại, dễ lây lan (như kim tiêm, băng gạc…) nên thùng xe phải có máy lạnh chống phân hủy, thùng còn phải kín để tránh rơi vãi, bốc mùi và có cả hệ thống định vị. Do vậy, không thể dùng xe chở rác sinh hoạt chở rác y tế” - vị này nói.
Vậy sao không linh động dùng xe này chở rác sinh hoạt? BV Đa khoa Long An cho biết hiện BV đã có hợp đồng thuê đơn vị có chức năng thu gom, xử lý rác sinh hoạt bởi BV vừa không có chức năng, vừa không có chi phí và con người để làm việc đó. Trong khi đó, ông Lê Văn Đạt - Phó Giám đốc BV Đa khoa Cần Thơ cũng cho biết thời điểm nhận xe BV không có mặt bằng giữ, bảo quản xe và không có nhân sự để lái xe chuyên dụng này nên đã đề xuất UBND TP bàn giao cho Công ty TNHH MTV Công trình đô thị Cần Thơ để chở rác sinh hoạt, tránh lãng phí. “Chúng tôi không bức thiết với xe chở rác thải thông thường mà mong mỏi có được một xe cấp cứu đặc chủng (với đầy đủ phương tiện máy móc trên xe như băng ca, máy thở, máy xốc điện…) như một phòng cấp cứu lưu động để phục vụ việc khám, chữa bệnh và cấp cứu tốt hơn cho người dân” - BS Đạt nói.
Xin đổi lấy xe khác BV Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nhận được một xe chở rác thuộc dự án nhưng đến nay chưa chạy ngày nào. Nguyên do đây là xe chuyên dùng chở rác thải thông thường chứ không phải xe đặc chủng chở rác y tế. BV nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Bộ Y tế là rất quý nhưng việc sử dụng chiếc xe này có những bất cập. Cụ thể, nếu lấy xe chở rác sinh hoạt của BV thì phải bố trí thêm tài xế, thuê nơi đổ rác và tốn kém chi phí xăng dầu, nhân công lấy rác. Chi phí để BV “vận hành” xe để chở rác sẽ tốn kém nhiều hơn so với việc thuê đơn vị thu gom, xử lý rác như lâu nay. Do vậy, khi nhận được xe, Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh giao hoặc cho công ty đô thị tỉnh thuê xe để họ sử dụng chở rác cho BV mà không thu tiền nhưng hiện tỉnh chưa có ý kiến. Hiện nay, chiếc xe chở rác vẫn nằm kho và thường xuyên phải vệ sinh, vận hành để tránh hư hỏng. Trong khi BV đa khoa tỉnh lớn nhất tỉnh nhưng không có được một chiếc xe 16 chỗ để phục vu nhu cầu công tác của BV và mỗi khi có việc cần là qua Sở Y tế tỉnh mượn xe. Nếu được, chúng tôi mong có hướng hoán đổi chiếc xe chở rác trên và cấp cho BV một chiếc xe 16 chỗ. Ông NGUYỄN THÀNH NHÔM, Phó Giám đốc Sở Y tế, |