Muốn kiềm chế lạm phát thì phải hạ giá xăng dầu

(PLO)- “Đáng lẽ muốn kiềm chế lạm phát thì không nên để giá xăng tăng nhanh và cao như hiện nay” - TS Nguyễn Đình Cung.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp… đang gặp nhiều khó khăn. Lạm phát không còn là nguy cơ mà đang hiện hữu trên thực tế, ở ngoài thị trường.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM,TS Nguyễn Đình Cung nhận xét như trên và nhấn mạnh: “Quốc hội (QH), Chính phủ trong thẩm quyền của mình cần có ngay giải pháp để hạ nhiệt giá cả xăng dầu, giảm áp lực lạm phát, giảm khó khăn cho người dân và doanh nghiệp”.

Cấp bách miễn, giảm thuế xăng dầu

. Phóng viên:Thưa ông, câu chuyện nóng nhất hiện nay có lẽ là giá xăng dầu và cảnh báo về lạm phát có vẻ rõ ràng hơn. Ông đánh giá thế nào?

+ TS Nguyễn Đình Cung:Từ các sự kiện liên tiếp xảy ra gần đây và theo quy luật thị trường, tôi cho rằng giá xăng dầu nói riêng và năng lượng nói chung sẽ tiếp tục tăng và ở mức cao trong thời gian dài. Việc chúng ta cân đối năng lượng sẽ ngày càng khó khăn.

Tuy nhiên, tôi cũng nghĩ rằng thực ra giá xăng dầu tăng cao và trở thành một vấn đề lớn không phải chỉ đối với nước ta mà là vấn đề toàn cầu hiện nay. Trong bối cảnh đó, giá xăng dầu trong nước tăng là đương nhiên, chúng ta không có cách gì cản được.

Điều mà Nhà nước có thể làm là giảm, thậm chí tạm thời miễn tất cả loại thuế gắn với xăng dầu. Trên thực tế chúng ta đã có giảm thuế bảo vệ môi trường, hay dự tính bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhưng như thế là chưa đủ để giảm giá xăng dầu xuống mức phù hợp.

. Mới đây, báo chí dẫn số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy gần một nửa số tàu cá phải nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao. Ông nghĩ gì về thực tế này?

+ Có nghĩa là giá xăng dầu tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, kinh doanh dẫn tới thua lỗ. Sản xuất, kinh doanh phải thu hẹp hoặc tạm ngừng, kéo theo tình trạng mất, giảm việc làm và thu nhập của hàng trăm ngàn lao động cũng giảm theo.

Ví dụ trên đây cũng cho thấy việc đánh bắt cá đang tạm thời phải thu hẹp, thậm chí đình đốn; đời sống của một nửa ngư dân nói riêng đang bị ảnh hưởng; công tác bảo vệ biển, đảo cũng có thể bị ảnh hưởng.

Những gì chúng ta nói từ nãy tới giờ cho thấy: Giảm thuế, miễn thuế để giảm giá xăng dầu đang cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết.

Muốn kiềm chế lạm phát thì không nên để giá xăng tăng nhanh và cao như hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Muốn kiềm chế lạm phát thì không nên để giá xăng tăng nhanh và cao như hiện nay. Ảnh: HOÀNG GIANG

Có thể sửa đổi một số điều, khoản để miễn, giảm thuế

. Chúng ta cũng biết việc miễn, giảm thuế với xăng dầu là phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát mà QH đã giao cho Chính phủ. Nhưng thực tế để thực hiện gặp không ít khó khăn, vướng mắc…

+ Không phải ngẫu nhiên mà mục tiêu kiềm chế lạm phát được đề ra. Vì lạm phát là chỉ báo quan trọng về kinh tế vĩ mô bất ổn. Trong khi đó, ổn định kinh tế vĩ mô là yếu tố không thể thiếu để phát triển sản xuất và ổn định dân sinh.

Đáng lẽ muốn kiềm chế lạm phát thì không nên để giá xăng tăng nhanh và cao như hiện nay. Trong cơ cấu giá xăng hiện nay, một phần không nhỏ là các loại thuế, phần còn lại là chi phí và lợi nhuận của đơn vị kinh doanh. Nếu coi lạm phát là vấn đề của nền kinh tế và chống lạm phát là mục tiêu thì QH cần quyết liệt miễn, giảm thuế với mức đủ lớn. Qua đó thể hiện Nhà nước chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp, đồng thời tạo niềm tin về tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô.

. Có ý kiến cho rằng QH đã giao chỉ tiêu cho Chính phủ, trong đó có chỉ tiêu thu ngân sách để bảo đảm các kế hoạch, các cân đối lớn khác cho quốc gia… nên để giải quyết vấn đề này không đơn giản?

+ Chúng ta đều biết miễn, giảm thuế xăng dầu làm ngân sách hụt thu một khoản đáng kể, do đó có thể làm tăng bội chi ngân sách. Tuy vậy, giảm thu thì phải giảm chi tương ứng và cắt giảm một số khoản chi chưa thật cần thiết là giải pháp khả thi hơn nhiều.

Nhưng nếu QH và Chính phủ xác định giá xăng tăng cao làm tăng lạm phát, có nguy cơ gây bất ổn vĩ mô… thì Chính phủ nên trình và QH nhanh chóng thông qua việc sửa đổi một số điều, khoản của các luật thuế liên quan để miễn, giảm các loại thuế đối với xăng dầu. Hoặc QH giao cho Chính phủ thẩm quyền chủ động miễn, giảm các loại thuế nói trên phù hợp với biến động thị trường.

. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng QH đã giao cho Chính phủ các chỉ tiêu về ngân sách, thưa ông?

+ Như tôi đã nói, QH đã giao chỉ tiêu thì cũng có thể điều chỉnh chỉ tiêu căn cứ vào tình hình thực tế. Mặt khác, QH có thể cũng phải thay đổi giao chỉ tiêu.

Chẳng hạn, QH không nên giao chỉ tiêu thu ngân sách (vì thu ngân sách phụ thuộc vào diễn biến nền kinh tế, nằm ngoài kiểm soát của Nhà nước), mà phải kiểm soát chi ngân sách. Nếu hụt chi thì phải tìm cách bù vào.

Vì sao không nên giao nhiệm vụ thu ngân sách? Bởi vì khi giao thu ngân sách thì cũng đồng nghĩa với việc có thể xảy ra… lạm thu, tận thu, nhất là các cấp chính quyền địa phương, phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Giao chỉ tiêu thu ngân sách như thế có thể ảnh hưởng tới các quan hệ thị trường.

. Xin cám ơn ông.

Có thể triệu tập kỳ họp bất thường

. Phóng viên: Thưa ông, liên quan đến việc miễn, giảm thuế với xăng dầu, phải chăng QH đang chờ Chính phủ trình lên rồi mới quyết được?

+ TS Nguyễn Đình Cung: QH có thể chủ động triệu tập kỳ họp bất thường để chỉ quyết vấn đề này theo như kỳ họp bất thường lần thứ nhất hồi tháng 1-2022. Hiến pháp đã cho QH “quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước” và “quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế...”.

Báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của QH kỳ họp vừa qua đều nhận định tình hình còn diễn biến phức tạp, giá xăng dầu có thể tăng cao là một trong những vấn đề lớn, quan trọng, ảnh hưởng đến kinh tế. Vậy QH không quyết vấn đề này thì còn quyết vấn đề nào?

Theo tôi, phương án tốt nhất là QH quyết theo hướng giao cho Chính phủ điều hành chính sách, công cụ thuế đối với xăng dầu như tinh thần của Nghị quyết 30/2021 ở kỳ họp thứ nhất. Với nghị quyết đó, QH thậm chí còn trao cho Chính phủ cả những thẩm quyền mà luật chưa quy định để chống dịch và phục hồi kinh tế.

. Như ông cũng biết, việc thu - chi ngân sách cũng được coi là một trong những “thành tích”?

+ Tôi cho rằng đời sống của nhân dân ngày một cải thiện và sung túc hơn; sản xuất, kinh doanh có thuận lợi và phát triển bền vững hay không; có tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang lại thu nhập cao cho mọi người hay không… mới là thành tích đáng được nhắc đến nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm