Muôn kiểu 'đục khoét' ngân quỹ của nhân viên y tế

Chiều nay (22-12), Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng trong ngành y tế (2005-2015).

TS-BS Bùi Minh Trạng, cho biết thời gian qua Thanh tra Sở y tế đã thanh kiểm tra 18 đơn vị y tế trực thuộc. Trong đó phát hiện nhiều sai phạm với nhiều hình thức khác nhau, thu hồi nộp vào ngân sách hàng tỉ đồng. Không những vậy, các bệnh viện tự kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm, thu hồi hàng trăm triệu đồng và chuyển công an xử lý hình sự nhiều trường hợp.

Đã sai còn “chây ì” nộp trả ngân sách

Đặc biệt, năm 2013, theo TS-BS Trạng, Sở Y tế đã thanh tra toàn diện BV Bình Dân, thu hồi hơn 2,7 tỉ đồng, trong đó thất thu từ việc liên doanh liên kết của BV hơn 250 triệu đồng và chi sai thu nhập từ hoạt động dịch vụ cho năm cá nhân là lãnh đạo BV và các khoa phòng. Sở Y tế đã quyết định thu hồi và yêu cầu BV nộp vào ngân sách nhà nước tất cả số tiền này.

Người dân “è cổ” trả viện phí còn một số đối tượng dùng nhiều mánh khóe để “đục khoét” viện phí, ngân quỹ. Ảnh minh họa: TÙNG SƠN.

Về phần các đơn vị tự kiểm tra. Năm 2007, tổ kiểm tra Khu điều trị phong Bến Sắn phát hiện nhân viên hành chánh quản trị "kê" tăng giá một số mặt hàng trang thiết bị. Đơn vị thu hồi số tiền hơn 34 triệu đồng, xử lý kỷ luật và hạ bậc lương nhân viên này. Năm 2009, tổ kiểm tra BV Nhi đồng 1 phát hiện một dược sĩ lấy thuốc trị giá hơn 24 triệu đồng. Số tiền trên đã được đối tượng bồi hoàn cho BV và dược sĩ này đã bị buộc thôi việc và chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra. Sau đó tòa quận 10 đã tuyên phạt dược sĩ này hai năm sáu tháng tù giam.

Tiếp đó, tổ kiểm tra của BV đa khoa Khu vực Củ Chi đã phát hiện tổ thu phí phòng tài chính thu phí sai, thu hồi trên 24 triệu đồng. Tổ kiểm tra BV đa khoa Sài Gòn đã phát hiện quy trình giải quyết chế độ nghỉ việc của một cá nhân không đúng nên tiến hành thu hồi quyết định này và yêu cầu đối tượng trả lại tiền trợ cấp thôi việc nhưng đối tượng không nộp. BV đã khởi kiện đối tượng tại tòa quận Gò Vấp để thu hồi số tiền hơn 29 triệu đồng nộp vào ngân sách. Tổ kiểm tra BV Chấn thương Chỉnh hỉnh kiểm tra phát hiện điều dưỡng trưởng khoa Khớp sai phạm về nguyên tắc hành chính và sau đó điều dưỡng này đã xin từ chức. Tại BV An Bình cũng đã phát hiện một trường hợp vi phạm về chế độ định mức với hai cá nhân liên quan, số tiền sai phạm là 500 ngàn đồng và BV đã thu hồi.

“Năm 2013, tổ kiểm tra BV Nhi đồng 1 tiếp tục phát hiện một số đối tượng thu viện phí có dấu hiệu tham nhũng với số tiền ước tính 296 triệu đồng. Vụ việc đã được chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra quận 10 và hiện đang trong giai đoạn điều tra. Năm 2014, BV Nhân dân 115 phát hiện ông Lê Mạnh Hùng tham ô tiền viện phí, BV đã thu hồi hơn 179 triệu đồng và cho thôi việc đối với ông Hùng”, TS-BS Trạng nói.

Theo TS-BS Trạng, mặc dù ngành y tế và các BV đã thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng một số đơn vị chưa thực hiện thông tin, báo cáo công tác phòng phống tham nhũng. Trong thời gian tới, ngành sẽ chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thanh kiểm tra việc thực hiện để chủ động phòng ngừa nhằm xây dựng ngành y tế trong sạch, vững mạnh, phục vụ tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Phòng, chống tham nhũng bằng nhiều giải pháp

Góp ý cho công tác phòng,chống tham nhũng tại các BV, BS Phan Văn Báu, Giám đốc BV 115, cho rằng cần có cơ chế chặt chẽ mà người muốn phạm lỗi cũng không được. Chẳng hạn như  cần ứng dụng công nghệ thông tin, lắp đặt hệ thống camera theo dõi, giám sát... khuyến khích phát hiện sai để sửa, văn hoá không giấu lỗi. "Nếu đơn vị chủ động phát hiện thì coi đây là một thành tích phát hiện chổ hở để sửa, khắc phục", BS Báu nói.

Đồng tình với quan điểm trên, nhưng TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc BV Nhi đồng 1 còn cho rằng muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, lãnh đạo BV và nhân viên phải kiên quyết nói không với tham nhũng. Về phần BV cần có quy trình khép kín để không còn chổ hở cho anh em nảy sinh lòng tham.

“Muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì cần triển khai năm biện pháp để phòng, chống tham nhũng: Công khai minh bạch tài sản; những vị trí nhạy cảm phải luôn phiên; tăng cường cải cách thủ tục hành chính; phát huy dân chủ tại cơ sở; thanh kiểm tra và giám sát”, DS Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý Dược, Sở Y tế TP nói.

Chỉ đạo tại hội nghị, PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết việc phát hiện tham nhũng thời gian qua chủ yếu qua đơn thư nặc danh, tố cáo, một số BV tự phát hiện. Năm 2011, 2012, 2013 kiểm tra phát hiện công tác liên danh, liên kết không minh bạch. Sắp đến ngành y tế sẽ tập trung vào thanh kiểm tra xã hội hội hóa trong y tế, vì rằng cái gì quy mô rộng lớn thì khó quản lý, cái gì nhiều nguồn lợi dễ xảy ra tham nhũng. Những sự việc tham nhũng vừa qua đã xảy ra nhiều năm mà không xử lý dứt điểm.

PGS-TS Bỉnh chỉ đạo các đơn vị chủ động phòng, chống tham nhũng, xây dựng kế hoạch từng quý, từng năm cho đơn vị, kịp thời phát hiện những hành vi tham nhũng để ngăn chặn và xử lý. 

18 BV, đơn vị thuộc Sở Y tế TP được thanh kiểm tra từ năm 2009 đến nay:

Năm 2009 Thanh tra Sở Y tế thanh tra BV Bình Dân, Trung tâm Dinh dưỡng. Năm 2010 thanh tra BV Y học Cổ truyền, BV đa khoa Sài Gòn. Năm 2011 thanh tra BV Da liễu, BV đa khoa khu vực Củ Chi. Năm 2012 thanh tra BV Chấn thương Chỉnh hình. Năm 2013 thanh tra BV Bình Dân. Năm 2014, thanh tra Trung tâm Pháp y. Năm 2015 thanh tra BV Nguyễn Trãi, An Bình, BV Tâm thần, Trung tâm y tế dự phòng TP và đang tiến hành thanh tra Trung tâm kiểm dịch Y tế Quốc tế, BV Từ Dũ, BV da khoa Khu vực Thủ Đức, Viện Y Dược học dân tộc. 

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm