Thế nhưng tham gia phong trào phản kháng của sinh viên, dần dà anh trở thành cán bộ chỉ đạo nhóm vũ trang trong lực lượng sinh viên.
Cũng là động cơ yêu nước nhưng sự thôi thúc, nhận thức hình ảnh cụ thể về đất nước mỗi người mỗi khác. Có người là hình ảnh người cha bị giết, ngôi nhà bị đốt, có người là ký ức chiến tranh đè nặng, có người là tấm gương bạn tù kiên cường hy sinh cho người khác. Con đường của anh Ba Khoa lại rất riêng tư.
Ba Khoa tên thật là Huỳnh Văn Khánh, trước khi nghỉ hưu là thường vụ quận ủy, trưởng ban Tuyên huấn quận Tân Bình. Anh sinh ra trong một gia đình 16 anh em, bố là nhà Nho nghèo, sáu người anh tham gia kháng chiến chống Pháp, người còn, người mất. …Thế nhưng anh tham gia kháng chiến không phải vì theo truyền thống gia đình mà từ lòng yêu nước, sự phản kháng với chính quyền đương thời.
Ký ức kháng chiến chống Pháp
Từ nhỏ, hình ảnh mất mát, đau thương do bom đạn Pháp tàn phá quê hương, những mất mát, đau thương không trừu tượng mà cụ thể là những người thân trong gia đình, chòm xóm đã là dấu ấn khó phai. Trong thời đi học, anh học rất giỏi lịch sử, yêu lịch sử và nhất là những vị anh hùng dân tộc như Phạm Hồng Thái, Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu.
Ông Ba Khoa ngồi ôn lại ký ức chiến tranh.
Lớn lên đi học, từ Huế tới Sài Gòn, chứng kiến cảnh binh lính Mỹ nghênh ngang trên đường phố, cặp kè các cô gái Việt, anh càng sôi sục mối hận của người thanh niên mất nước. Không hiểu nhiều các lý thuyết chính trị nhưng anh biết rõ cái chính quyền Sài Gòn thời đó là tiếp nối của chính quyền thân Pháp và người Mỹ đang thay chân người Pháp. Cái máu phản kháng chống lại chế độ đương thời dẫn dắt anh tham gia phong trào Phật tử, sinh viên, học sinh.
Nói về chuyện tham gia phong trào, anh Ba Khoa bảo mình tham gia lực lượng vũ trang chỉ để thực hiện ước mơ giết hết những người Mỹ “dám cua hết gái đẹp” của ta. “Lúc đó, tui rất kỳ thị bọn da trắng. Nếu thấy con gái mà đi làm việc cho Mỹ là ghét lắm. Bản thân đang là thanh niên chưa có mảnh tình vắt vai. Ở lứa tuổi của tui thời đó có nhiều sự ngăn cách giữa nam và nữ. Hai mấy tuổi mà chưa dám thổ lộ, cầm tay ai chứ đừng nói là yêu. Hình ảnh trai Mỹ, gái Việt ôm ấp nhau trên phố gợi lên cái đau, cái nhục mất nước. Chỉ cần ra phố, thấy một cô gái đi theo Mỹ là rất tức tối, khó chịu. Đôi lúc tôi còn chửi đổng đồ me Mỹ” - anh Ba Khoa kể.
Ước mơ bồng bột!
“Lúc đầu, tui tham gia phong trào cũng chỉ vì ham vui, thích đi theo đám đông. Tui đã đi theo phong trào Phật giáo ở Huế, mỗi lần biểu tình xong thì được các ba, các má phong trào tiếp tế thức ăn. Nhiều khi được ăn cơm, ăn phở với phong trào mà bản thân mình không có tiền để ăn những thứ đó” - anh Ba Khoa thú thật.
Năm 1960, sự kiện Nguyễn Chánh Thi và Vương Văn Đông chỉ huy lính dù đánh vào dinh Độc Lập đảo chính Ngô Đình Diệm tuy bất thành nhưng đã hằn sâu vào trí não của anh Ba Khoa. Anh ước mơ đánh Mỹ theo cách riêng của mình. Trong suy nghĩ bồng bột, non nớt thời đó “Cách giành lấy độc lập gọn nhất là đảo chính. Tui chỉ ước mơ sớm học Trường sĩ quan Đà Lạt rồi về làm sĩ quan và nắm chừng một trung đoàn là sẽ đảo chính”. Muốn đảo chính thì phải có lực lượng. Ngoại trừ lực lượng binh lính dưới quyền mình thì lực lượng mình kết nạp được lúc hoạt động phong trào cũng là yếu tố rất quan trọng. Từ suy nghĩ đó, anh càng sôi nổi tham gia hoạt động phong trào.
Tuy nhiên, cuộc kháng chiến kéo dài, nhiều biến thiên, từ các hoạt động phong trào dần dà anh tham gia hoạt động vũ trang bí mật.
Ông Ba Khoa Thời trẻ.
Trong một lần tham gia phong trào Phật giáo ở Huế, “Biểu tình xong, tui vào chùa ăn kẹo. Vào đó tui gặp một phụ nữ mới tầm tuổi 30. Tui hỏi: “Chị còn son trẻ vậy vào chùa để làm gì?”. Chị ta bảo: “Vào chùa để giặt đồ cho đồng chí của mình!”. Mãi sau này tui mới biết chị ấy là Việt cộng, vào chùa để gầy dựng cơ sở cho phong trào cách mạng. Từ đó trở đi tui nghĩ lại, giảm bớt kỳ thị đối với những cô gái me Mỹ. Biết đâu các chị, các em cũng là cách mạng cài vào hoạt động trong lòng địch” - anh Ba Khoa trầm ngâm nhớ lại sự thay đổi nhận thức của mình.
Đứt gần nửa bàn tay để làm thân với cảnh sát Trong đợt đánh bom vào phường Yên Đỗ, quận 1 ngày 3-2-1969, để tạo điều kiện thuận lợi cho em trai của mình là Huỳnh Văn Tưởng (Đội trưởng phụ trách quân sự đánh vào phường Yên Đỗ) đánh chiếm thành công, anh Ba Khoa đã đến sống trọ trong một gia đình ở gần nhà cảnh sát trưởng Châu Văn Tiến. Trong lần vợ chồng nhà này xích mích với nhau, chồng cầm súng, vợ cầm dao giáp lá cà, anh Ba Khoa đã nhảy vào can ngăn, một tay cầm giữ súng của ông chồng, một bàn tay chộp lấy lưỡi dao của bà vợ. Bà vợ vung tay rút dao khiến anh Ba Khoa bị đứt gần nửa bàn tay. Tiến liền đưa anh Ba Khoa đi cấp cứu, từ đó hai người làm thân với nhau. Trước giờ đánh bom, anh Ba Khoa dụ Tiến ra khỏi trụ sở để anh em dễ bề hoạt động vì tên này là một tay đua xe có hạng. Nếu anh em đánh xong, đang trên đường rút mà bị nó rượt theo thì khó thoát. |
Hoàn cảnh nào cũng phải chiến đấu để chiến thắng Tôi gặp anh Huỳnh Văn Khánh - Ba Khoa vào đầu năm 1974, khi tôi vào căn cứ để học tập, anh giảng chuyên đề “Giữ gìn khí tiết cách mạng trong tù”. Bài giảng được anh đúc kết từ chính kinh nghiệm của bản thân khi anh bị địch tra tấn, vì vậy nó thực sự là bài học xương máu. Hoạt động nội thành, việc bị bắt và bị tra tấn là điều phải chấp nhận, ta cần chuẩn bị tinh thần để chiến đấu và chiến thắng cả khi chỉ một mình ở trong tay kẻ thù. Nếu địch tra tấn ta qua một ngày, ta không khai là ta thắng một ván. Địch đổi từ đánh đập sang kiểu tra tấn khác như trấn nước, chích điện là ta thắng một trận. Khi địch chuyển ta từ cấp thấp lên cấp cao hơn để điều tra, khai thác thì ta đã thắng lớn hơn. Chịu đựng và chiến đấu trong tù là không giới hạn. Vì vậy, ta cũng không được đặt ra giới hạn cho cuộc chiến đấu của mình mà trong hoàn cảnh nào cũng phải chiến đấu để chiến thắng. Hơn 36 năm qua tôi vẫn còn nhớ buổi nói chuyện của anh Ba Khoa. Không đầu hàng, không khai báo là khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, tìm ra chiến thắng từ trong đòn thù khốc liệt là tinh thần lạc quan của những người chọn cho mình sự hy sinh vì nghĩa lớn. Có một thế hệ thanh niên Việt Nam đã sống, suy nghĩ và hành động như vậy trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước. PHẠM PHÚ TÂM |
HÀN GIANG