Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, cho biết trong sáu tháng từ 16-11-2015 đến 15-5-2016, trên địa bàn TP.HCM đã xảy ra 1.461 vụ tai nạn, sự cố liên quan đến cháy nổ và cứu nạn cứu hộ. Trong đó có 220 vụ cháy (giảm 110 vụ) khiến hai người tử vong và 26 người bị thương.
Thống kê ban đầu, hỏa hoạn đã làm thiệt hại 82 tỉ đồng, tuy nhiên có 19 vụ cháy chưa ước tính được thiệt hại.
Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM chủ trì họp báo chiều 15-7.
Trả lời câu hỏi của báo Pháp Luật TP.HCM về việc 12 chung cư, công trình cao tầng chưa nghiệm thu về an toàn PCCC nhưng vẫn được chủ đầu tư đưa người dân vào ở như thông tin được đưa ra trong cuộc họp báo tổng kết công tác PCCC trong quý I-2016, Đại tá Lê Tấn Bửu cho biết: “Chúng tôi đã tham mưu, chỉ đạo xử lý tới nơi tới chốn. Việc đưa dân vào ở các chung cư chưa tiến hành nghiệm thu PCCC và một số điều kiện khác trong lĩnh vực xây dựng không những nguy hiểm cho người dân mà còn vi phạm quy định pháp luật”.
Vụ cháy ở Công ty Nệm Vạn Thành thiêu rụi khối tài sản hàng chục tỉ đồng. Ảnh: tư liệu
Đại tá Bửu còn cho biết thêm: "Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chúng tôi đang xin ý kiến UBND TP, để cảnh sát PCCC nghiệm thu từng hạng mục công trình để chủ đầu tư có thể đưa dân vào ở trước, đồng thời chủ đầu tư phải cam kết thực hiện các hạng mục còn lại".
Nhiều câu hỏi đặt ra về việc các vụ cháy do điện còn xảy ra quá nhiều, chiếm 66,36%, việc kéo giảm 10% vụ cháy do điện/năm rất khó thực hiện. Đại tá Lê Tấn Bửu cho rằng trong vấn đề này có trách nhiệm giữa lực lượng cảnh sát PCCC, ngành xây dựng, điện lực… Thực tế cho thấy đa phần vụ cháy đều xuất phát từ hệ thống điện phía dưới đồng hồ (nguyên nhân do người dân lắp đặt). “Trong khi đó, trong quá trình xây dựng, lắp đặt hệ thống điện ở nhà ở, người dân chủ yếu thuê những người quen biết, không tính toán được sự an toàn, khoa học cho hệ thống. Điều này phải có sự tính toán khoa học trong thời gian tới” - Đại tá Bửu nói.
Nhiều câu hỏi cũng đặt vấn đề về việc thị trường còn tồn tại nhiều đơn vị, cá nhân giả danh cảnh sát PCCC để bán các thiết bị phòng cháy trôi nổi nhằm trục lợi. Đại diện Cảnh sát PCCC TP.HCM cho biết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, đồng thời khuyến cáo người dân phải biết lựa chọn sản phẩm có uy tín, được đăng kiểm tại đơn vị có đăng ký kinh doanh và chức năng cung cấp.