Trên Pháp Luật TP.HCM ngày 17-11 có bài viết “Đi xe máy không chính chủ chưa hẳn bị phạt”, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), cho biết các trường hợp đăng ký sang tên sau 1-1-2017 trong khi giấy bán xe ký trước đó và quá hạn thì sẽ bị phạt.
“Quá hạn là thế nào? Thủ tục đăng ký sang tên có phức tạp không? Trường hợp dùng xe đã mua bán qua nhiều người mà chưa sang tên, người đứng tên chủ xe trên giấy tờ đã mất thì giải quyết ra sao?”… Đó là những thắc mắc của bạn đọc khi xem thông tin trên.
Có thể dùng khai sinh, giấy chứng tử để sang tên
Thiếu tướng Trần Thế Quân cho biết việc người thân trong gia đình hoặc bạn bè mượn xe nhau sẽ hoàn toàn không bị phạt. Tuy nhiên, người điều khiển phương tiện cần chứng minh được việc mượn này, bằng cách gọi điện thoại cho chủ xe hoặc gọi đến trực tiếp. Đối với trường hợp cha (mẹ) cho con mượn xe thì không bị phạt nhưng nếu cho thì phải sang tên, nếu không tức là đã vi phạm.
Cũng theo Thiếu tướng Quân, những trường hợp cha (mẹ) đã mất, con vẫn được giải quyết sang tên xe bình thường, “Sẽ được giải quyết theo pháp luật về thừa kế. Người con có thể đưa ra giấy chứng tử của cha (mẹ) hoặc giấy tờ xác định mình là con để được hưởng thừa kế”.
Còn hơn một tháng để người dân thực hiện các thủ tục đăng ký sang tên xe, tránh bị phạt theo Nghị định 46/2016. Ảnh: PHAN TUYẾN
Cần nắm rõ thủ tục sang tên
Về thủ tục sang tên sau khi mua bán phương tiện, Thiếu tướng Quân cho biết sẽ thực hiện theo Điều 24 Thông tư 15/2014 của Bộ Công an quy định về đăng ký xe.
1. Đăng ký sang tên xe trong cùng tỉnh:
Người dân cần mang theo hồ sơ gồm: giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe theo quy định; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận (GCN) đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; GCN đăng ký xe.
• Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe thì hồ sơ nộp như trên, trừ chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng.
• Trường hợp bị mất GCN đăng ký xe thì phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
2. Đăng ký sang tên, di chuyển xe đi tỉnh khác:
Hồ sơ gồm: Hai giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng, GCN đăng ký xe, biển số xe. Nếu bị mất GCN đăng ký xe hoặc biển số xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.
• Trường hợp người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ tương tự, trừ chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong GCN đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu của người bán cuối cùng.
3. Đăng ký sang tên xe tỉnh khác chuyển đến:
Hồ sơ gồm: Giấy khai đăng ký xe, giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe và phiếu sang tên di chuyển, kèm theo hồ sơ gốc của xe, chứng từ nộp lệ phí trước bạ theo quy định.
“Quá hạn” tính từ khi nào? Cục CSGT đã chỉ đạo CSGT các địa phương tổ chức tuyên truyền, tiếp nhận hồ sơ và tiến hành làm thủ tục sang tên cho người dân đến hết ngày 31-12-2016. Đây là mốc thời gian cuối cùng. Sau thời gian này sẽ bị xem là quá hạn, các trường hợp xe đã qua mua bán mà chưa sang tên sẽ bị xử phạt theo Nghị định 46/2016. Thiếu tướng TRẦN THẾ QUÂN Theo Điều 6 Thông tư 15/2014 của Bộ Công an, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, tổ chức cá nhân mua, được điều chuyển cho, tặng xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục đăng ký sang tên, di chuyển xe. |