Cục CSGT (C67, Bộ Công an) vừa chỉ đạo CSGT các địa phương vận động người dân trước ngày 31-12-2016 hoàn tất việc sang tên mô tô hai, ba bánh, xe máy (kể cả xe máy điện) đã mua bán nhiều chủ nhưng thiếu chứng từ hay không có chứng từ.
Không phạt nhưng phải chứng minh (?!)
Theo Điều 30 Nghị định 46/2016, cá nhân mua (hoặc được tặng, hưởng thừa kế…) mô tô, xe máy và các loại xe tương tự mà không làm thủ tục để chuyển tên chủ xe trong cà vẹt sang tên mình bị coi là vi phạm và sẽ bị phạt 100.000 đến 200.000 đồng. Mức phạt sẽ là gấp đôi đối với tổ chức có hành vi vi phạm như trên.
Như vậy, kể từ ngày 1-1-2017, việc sử dụng các phương tiện nêu trên khi mua bán mà không sang tên sẽ bị xử phạt. Cũng theo C67, Thông tư 15/2014 của Bộ Công an cho phép mô tô hai ba, bánh, xe máy (kể cả xe máy điện) đã mua bán qua nhiều người vẫn được sang tên cho đến hết ngày 31-12-2016. Vì vậy, C67 yêu cầu công an các địa phương giải quyết đăng ký sang tên cho người đang sử dụng trước ngày 1-1-2017.
Trước chỉ đạo này, nhiều ý kiến băn khoăn rằng đối với những trường hợp lưu thông bằng xe mượn của người thân hoặc bạn bè thì có bị xử phạt hay không? CSGT sẽ xử phạt lỗi này trong trường hợp nào?
Trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), nhấn mạnh: “Người dân yên tâm là sẽ không xử phạt trong những trường hợp này. Hiện nay không có quy định xử phạt đối với phương tiện đi mượn cả. Vợ chồng, con cái, bạn bè mượn xe nhau để chạy là chuyện rất bình thường, không có vấn đề gì”.
Theo Thiếu tướng Quân, việc mua bán và mượn là khác nhau. Nếu là mượn thì người điều khiển phương tiện phải chứng minh được việc này. Theo đó, người dân có thể gọi điện thoại hoặc gọi trực tiếp chủ của xe đến để xác nhận đã cho mượn xe. “Cha cho con mượn xe thì sẽ không bị xử phạt. Nhưng cha cho con xe thì phải sang tên, nếu không con sẽ bị phạt” - Thiếu tướng Quân thông tin.
CSGT xử phạt một trường hợp vi phạm. Ảnh: TUYẾN PHAN
CSGT phạt trong trường hợp nào?
Theo Thiếu tướng Quân, mua bán thì phải có giấy tờ. Khi có căn cứ xác minh bán xe rồi, ví dụ khi đến đăng ký sang tên sau ngày 1-1-2017 trong khi giấy bán xe ký trước đó và quá hạn thì sẽ bị phạt.
Tuy vậy làm sao để phân biệt giữa bán và mượn? Nếu người điều khiển phương tiện mua xe nhưng cứ nói là mượn thì sao? Thiếu tướng Quân cho rằng lực lượng CSGT có thể kiểm tra và xác minh từ chủ xe trong giấy đăng ký. Nếu chủ xe nói đã bán thì đương nhiên là vi phạm, còn nói rằng cho mượn thì không xử lý.
Vậy CSGT sẽ xử phạt lỗi này trong trường hợp nào? Vị phó cục trưởng khẳng định CSGT không có quyền dừng xe chỉ để kiểm tra và xử phạt lỗi không sang tên. Việc xử phạt này chỉ được tiến hành trong quá trình giải quyết tai nạn giao thông, xử lý lỗi vi phạm khác (vượt đèn đỏ, đi sai làn, quá tốc độ…) hoặc khi thực hiện công tác quản lý, đăng ký xe.
Cũng theo Thiếu tướng Quân, quy định phạt đã có từ trước đây. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân hiểu và có thời gian thực hiện việc sang tên nên đến hết năm nay mới áp dụng.
Phạt người vừa lái ô tô vừa xài di động từ đầu năm 2017 Nghị định 46/2016 có hiệu lực từ ngày 1-8-2016. Tuy nhiên, theo Điều 80 của nghị định này, hành vi mua xe máy mà không sang tên sẽ bị phạt từ đầu năm 2017. Cũng từ ngày 1-1-2017, CSGT sẽ bắt đầu xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông mới như: - Phạt từ 600.000 đến 800.000 khi điều khiển ô tô mà dùng tay sử dụng di động (điểm l khoản 3 Điều 5). - Phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng khi chở người trên ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có dây an toàn) khi xe đang chạy (điểm l khoản 1 Điều 5). - Phạt người ngồi trên ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có dây an toàn) khi xe đang chạy từ 100.000 đến 200.000 đồng (điểm k khoản 1 Điều 5). - Phạt từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với tổ chức kinh doanh taxi chở khách không có hộp đèn “TAXI” hoặc có nhưng không có tác dụng, không gắn cố định trên nóc xe; không có thiết bị in hóa đơn kết nối với hóa đơn (điểm d khoản 3 Điều 28). G.NGHĨA |