Nhiều năm trước, music video (MV) chỉ là sản phẩm tặng kèm cho CD, album nhạc nhưng trong khoảng hai năm trở lại đây, MV dần trở thành sản phẩm âm nhạc chính thống. Minh chứng rõ ràng nhất cho vị trí MV trong thị trường âm nhạc chính là các giải thưởng âm nhạc đều có hạng mục giải của MV.
MV là công cụ tiên quyết của ca sĩ
Ở hầu hết các giải thưởng âm nhạc hằng năm: Làn sóng xanh, POPS Awards, Zing Music Awards, Bài hát yêu thích, Bài hát tôi yêu… đều có hạng mục MV. Và giải thưởng lâu năm vốn được xem là thủ cựu, ít thêm hạng mục mới là giải thưởng âm nhạc Cống hiến cũng đã có thêm hạng mục Music Video của năm.
Sự phát triển của MV có thể thấy rất rõ. Nếu nhiều năm trước MV ca nhạc là sản phẩm tặng kèm cho một CD nhạc phát hành dưới dạng album hoặc trực tuyến thì trong khoảng hai năm trở lại đây, MV đã dần trở thành một sản phẩm âm nhạc chính thức, thay thế dần cho CD, album. Và đặc biệt, trong năm 2015 thị trường nhạc Việt chứng kiến sự thay đổi rõ ràng của các MV từ số tiền đầu tư thực hiện MV.
Nhạc Việt có hàng loạt MV tiền tỉ: Mona Lisa (Văn Mai Hương), Destiny (Hồ Ngọc Hà), Boom Boom, Vì ai? Vì anh (Đông Nhi), Em đã yêu (Thủy Tiên), Vũ điệu cồng chiêng (Tóc Tiên), Xóa (Dương Triệu Vũ)… Bên cạnh đó còn là xu hướng thực hiện MV chi phí ít nhưng không kém phần ấn tượng so với MV được đầu tư khủng: Thật bất ngờ (Trúc Nhân), Mơ (Vũ Cát Tường), Nói đi mà (Vicky Nhung), Tết đoàn viên (Thiện Nhân), Mong anh về (Đào Tố Loan)…
Và thời gian qua, nhạc Việt cũng chứng kiến xu hướng làm MV nối dài thành những phim ca nhạc ngắn: Chuyện tình Maldives - Love in Maldives(Noo Phước Thịnh), Âm thầm bên em (Sơn Tùng M-TP), Giờ em đã biết (Minh Hằng), Đêm (Trang Pháp)… Chi phí đầu tư cho các phim ca nhạc ngắn này thường gấp 3-4 lần đầu tư MV với chất lượng tương tự.
Mặc dù bị ban tổ chức loại khỏi danh sách đề cử hạng mục Music Video của năm tại Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do đời tư nhưng không ai có thể phủ nhận sức hút từ MV Destiny của ca sĩ Hồ Ngọc Hà. Ảnh: Nhân vật cung cấp
MV trong thời gian qua không chỉ là những xu hướng như trên mà MV thật sự đã là sản phẩm giúp tạo vị trí cho ca sĩ trong sự nghiệp của mình.
Nhà sản xuất Nguyễn Thành Trung, người đứng sau thành công của Hồ Ngọc Hà và chuỗi DVD Gala nhạc Việt, cho rằng: “Trước đây mọi người thường làm album nhưng khi âm nhạc trực tuyến, truyền thông trực tuyến và nhiều kênh truyền hình âm nhạc mở ra thì MV đã trở thành xu hướng, là sản phẩm âm nhạc và là hình ảnh ca sĩ. Ở thời nay, muốn bài hát hit, tiên quyết phải làm MV chứ không còn là bản thu audio như ngày xưa nữa. Và MV còn như là sản phẩm đánh dấu việc mở ra một xu hướng hình ảnh mới trong sự nghiệp ca hát của nghệ sĩ đó”.
Sau MV tiền tỉ là nền âm nhạc không chân
Còn theo lý giải của anh Dương Bình Nguyên, người phụ trách truyền thông, tham gia sản xuất cho nhiều ca sĩ, thì “sở dĩ MV trở thành xu hướng bởi đó là việc đầu tư một CD quá tốn tiền. Một CD rẻ cũng phải vài trăm triệu đồng trong khi MV tùy túi tiền mà có thể đầu tư nhiều hay ít. Và quan trọng nhất của sản phẩm âm nhạc là đến được công chúng, MV là con đường nhanh nhất để sản phẩm âm nhạc đến với công chúng. Khán giả trẻ chỉ cần chi ít tiền có thể mua một MV chất lượng cao để xem trực tuyến, thậm chí xem miễn phí trong khi mua một album quá đắt so với túi tiền”.
Cũng theo anh Dương Bình Nguyên thì ca sĩ có MV trong tay cũng như có “chiêu” sẵn khi biểu diễn. “MV có thể trở thành phương tiện hỗ trợ khi được dùng chiếu minh họa cho màn biểu diễn của ca sĩ trên sân khấu. Điều này tạo thêm hiệu ứng thị giác cho khán giả và giảm được chi phí cho các màn múa minh họa, thiết kế sân khấu…” - anh Dương Bình Nguyên khẳng định.
Khiến nhạc Việt thiếu điểm tựa
Mỗi năm hàng chục ngàn MV nhạc Việt được phát hành nhưng rồi nhạc Việt vẫn thiếu vô cùng những ca khúc để lại dấu ấn trong lòng khán giả, thiếu những tên tuổi nhạc sĩ có nhiều sáng tác tốt, thiếu ca sĩ có con đường âm nhạc vững chãi bền lâu. Trên các trang mạng trực tuyến hay trên kệ CD đều ngày càng thiếu những album chất lượng mang tính định hình phong cách. Dường như tỉ lệ thuận với lượng MV phát hành là sự chơi vơi không điểm tựa của nhạc Việt.
Dẫu vậy, anh Dương Bình Nguyên vẫn tin tưởng: “Ngày xưa khi CD phát hành nhiều cũng vậy. Âm nhạc luôn có hai dòng, một dòng nghệ sĩ nghiêm túc cho ra sản phẩm nghiêm túc, song song đó là những CD ca sĩ tự thu âm rồi đi bán trong những buổi diễn ở các tỉnh lẻ… Mỗi giai đoạn đều tương ứng như vậy”.