Các cuộc biểu tình đã nhanh chóng lan rộng trên toàn nước Mỹ, đến các thành phố lớn như Boston, New York, Los Angeles, Dallas, Atlanta và một số thành phố khác. Thành phố Ferguson, với phần lớn dân cư là người da đen, đã phải “chịu đựng” hai đêm liền biểu tình, kéo theo đó là bạo loạn và cướp bóc, hôi của. Nhiều cơ sở kinh doanh đã bị đốt trụi. Hai nhân viên của Cục điều tra liên bang FBI và một cảnh sát viên bị bắn trọng thương.
Lực lượng vệ binh quốc gia đã được triển khai đến Ferguson để kiểm soát tình hình
Tại Boston, có 45 người bị cảnh sát bắt giữ vào ngày 25-11 (giờ địa phương) trong nỗ lực kiểm soát cuộc biểu tình quy mô hàng ngàn người. Tại Dallas, bảy người đã bị bắt khi cảnh sát cố gắng giải tỏa đường cao tốc liên bang số 35, tuyến đường huyết mạch nối miền Bắc và miền Nam nước Mỹ, khỏi tay đoàn người biểu tình.
Tại New York, cảnh sát đã dùng đến bình xịt hơi cay để kiểm soát đám đông sau khi đoàn người biểu tình cố gắng chặn kín Hầm vượt Lincoln và Cầu Triborough. Mười người biểu tình đã bị bắt giữ. Còn tại Los Angeles, người biểu tình đã tụ tập ngay trước các trụ sở cảnh sát, ném chai lọ vào các nhóm cảnh sát viên và chặn các tuyến đường cao tốc nội thành.
Tuy nhiên, giới chức trách khẳng định đã tăng cường an ninh để kierm soát tình trạng bạo lực hiện tại. Thống đốc bang Missouri ông Jay Nixon đã điều động 2.200 Vệ binh Quốc gia đến khu vực Ferguson. Cảnh sát đã thực hiện 45 cuộc bắt giữ vào đêm 25-11 (giờ địa phương). Đêm trước đó, cảnh sát đã phải bắt giữ đến 61 người.
Mâu thuẫn sắc tộc tại Mỹ đến nay vẫn là một vấn đề nhức nhối. Trong thông điệp liên bang mới đây của mình, Tổng thống Obama cũng đã thừa nhận hiện đang tồn tại khoảng cách giữa người da đen và chính quyền, chứ không phải tự dưng những người thiểu số da màu “đặt chuyện để biểu tình”. Tại Ferguson, thị trưởng thành phố và đa số các ủy viên hội đồng thành phố đều là người da trắng. Một báo cáo năm 2013 của văn phòng tổng chưởng lý phát hiện rằng hơn 85% số vụ bắt phạt giao thông và đa số các vụ bắt bớ tại đây đều nhắm vào người da đen.