Trả lời báo chí Nhật ở Tokyo mới đây, đặc sứ chính sách Triều Tiên của Mỹ - ông Joseph Yun cho hay Washington còn lâu mới dùng vũ lực trên bán đảo Triều Tiên.
“Chính sách của chúng tôi là nghiêng về giải pháp hòa bình để giải quyết khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên. Chúng tôi đã nhiều lần khẳng định điều chúng tôi muốn nhìn thấy là đối thoại” - Reuters dẫn phát biểu của ông Yun.
“Mặc dù chúng tôi đã từng nói mọi lựa chọn đang được tính đến kể cả giải pháp quân sự, song tôi không tin Mỹ sắp dùng tới phương án tấn công quân sự” - ông Yun cho hay.
Đặc sứ chính sách Triều Tiên của Mỹ - ông Joseph Yun. Ảnh: REUTERS
Liên quan tới các cuộc thảo luận đang diễn ra giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, ông Yun nhấn mạnh các cuộc đàm phán đã đi đúng hướng nhưng đối thoại giữa Bình Nhưỡng-Washington chỉ diễn ra “một khi Triều Tiên giải trừ hạt nhân”.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thời gian gần đây có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Bình Nhưỡng đồng ý cử vận động viên sang tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang diễn ra từ ngày 9-2 tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn duy trì ở mức đỉnh điểm kể từ tháng 4 năm ngoái.
Do Mỹ không thiết lập mối quan hệ ngoại giao chính thức với Triều Tiên nên tổng thống Mỹ đã bổ nhiệm một “đại sứ đặc biệt” để phối hợp và thi hành chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên. Chính điều này mà ông Yun trở thành người hiểu rõ nhất chính sách của Washington đối với Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, hồi đầu tháng 1, trả lời phỏng vấn báo chí trước câu hỏi về khả năng tấn công “chiến lược” hoặc “giới hạn” nhằm vào các vị trí hạt nhân của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: “Chúng tôi cần bình tĩnh và sáng suốt nhìn nhận tình hình hiện nay”.
“Chúng tôi phải thừa nhận mối đe dọa này ngày càng lớn và nếu Triều Tiên không chọn con đường đối thoại, thảo luận và đàm phán, chính họ sẽ buộc Mỹ phải đưa ra một phương án” - ông Tillerson nói.
Mặc khác, các quan chức quân sự Mỹ thừa nhận quân đội nước này đã có sẵn phương án và tiến hành tập trận chuẩn bị cho khả năng chiến tranh với Triều Tiên.
Tướng Robert Neller - Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ chia sẻ với Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế (CSIS) hồi cuối tháng 1 rằng: “Tôi nghĩ điều lớn nhất là cần làm quen với địa hình, làm quen với các kế hoạch và chuẩn bị phương án hậu cần cũng như cần tới sự thận trọng”.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson cùng các chiến hạm của Hàn Quốc di chuyển tới Tây Thái Bình Dương hồi tháng 5-2017. Ảnh: AP
Trong bối cảnh giới lãnh đạo Mỹ nhất trí phương án tấn công quân sự là lựa chọn cuối cùng để giải quyết cuộc khủng hoảng, thì mức độ nào để đưa ra quyết định tấn công quân sự lại là chuyện được mỗi quan chức đưa ra ý kiến khác nhau và theo từng tuần.
Vấn đề này đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump nêu ra trong bài phát biểu liên bang lần đầu. “Việc Triều Tiên liều lĩnh theo đuổi chương trình tên lửa hạt nhân có thể sẽ sớm đặt ra mối đe dọa cho Mỹ. Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến dịch tăng cường tối đa áp lực để ngăn chặn việc đó xảy ra. Kinh nghiệm trong quá khứ đã dạy chúng ta rằng sự tự mãn và nhân nhượng chỉ làm kéo theo hành động thù địch và khiêu khích. Tôi sẽ không để những sai lầm của chính phủ tiền nhiệm lặp lại và đẩy chúng ta vào tình thế nguy hiểm” - Tổng thống Trump nói.