Ngày 29-1 là thời hạn cuối Mỹ phải công bố trừng phạt mới với Nga theo một luật Tổng thống nước này Donald Trump ban hành tháng 8-2017. Đây là luật Đối phó các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) thống nhất trừng phạt Nga vì can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
Thay vào việc công bố trừng phạt mới, Bộ Ngoại giao Mỹ ra một tuyên bố cho rằng bản thân luật CAATSA đã có hiệu quả đe dọa, ngăn chặn sự can thiệp của Nga. Quan điểm này của Bộ Ngoại giao trái với các báo cáo trước đó của Cục Điều tra liên bang Mỹ (CIA) rằng nó chẳng làm thay đổi thái độ của Nga.
“Hôm nay, chúng tôi thông báo Quốc hội rằng luật này và việc thực hiện nó đang ngăn chặn việc Nga bán vũ khí quốc phòng. Từ khi luật CAATSA được thông qua, chúng tôi ước tính các chính phủ nước ngoài đã từ bỏ các thương vụ mua bán vũ khí quốc phòng trị giá hàng tỉ USD với Nga đã lên kế hoạch thậm chí đã thông báo công khai trước đó” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, chừng nào bản thân luật CATTSA còn cho thấy có hiệu quả ngăn chặn thì việc trừng phạt các cơ quan, công ty hay cá nhân cụ thể không cần thiết.
“Khi nào và nếu chúng tôi có thông tin về trừng phạt, chúng tôi sẽ thông báo” – bà Nauert cho biết.
Nga đang cáo buộc Mỹ can thiệp bầu cử tổng thống tháng 3 tới. Áp phích tranh cử của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Kazan (Nga) ngày 23-1- Ảnh: GETTY IMAGES
Washington Post dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao cho biết, dù thông báo không trừng phạt nhưng chính phủ Trump thời gian qua đã làm việc để lên một danh sách các mục tiêu trừng phạt. Theo quan chức này, nếu trừng phạt, các mục tiêu sẽ là các chính phủ và các công ty nước ngoài giao dịch với Nga, chứ không phải các công ty Nga. Bên cạnh đó Bộ Tài chính cũng đã chuẩn bị danh sách đen các nhà tài phiệt giàu có nhất nước Nga liên quan đến Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Thời điểm ký thông qua, ông Trump đã chỉ trích luật CAATSA “có lổ hổng nghiêm trọng”. Ông Trump trước đó từng nhiều lần phản đối đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ về tác hại của việc Nga can thiệp bầu cử. Hiện cuộc điều tra của Bộ Tư pháp về khả năng Nga thông đồng với đội tranh cử ông Trump can thiệp bầu cử vẫn chưa kết thúc.
Nhiều nghị sĩ Dân chủ bất bình với thái độ của chính phủ Trump. Nghị sĩ Eliot Engel, thành viên cấp cao Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói ông “mệt mỏi” với việc chính phủ Trump không trừng phạt Nga can thiệp bầu cử. Tháng 10-2017, các lãnh đạo trong Ủy ban Tình báo Thượng viện từng cảnh báo rằng sự can thiệp của Nga vào chính trị Mỹ vẫn đang tiếp diễn, và có thể sẽ còn tiếp tục trong năm 2018.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga ngày 29-1 tuyên bố sẽ bảo vệ các doanh nghiệp và cá nhân nước mình, thậm chí sẽ trả đũa nếu Mỹ trừng phạt. Nga cũng cáo buộc Mỹ can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Nga tháng 3 tới.
Nga gần đây có nhiều bước đi mang tính phòng thủ. Tổng thống Putin thông báo ân xá cho người Nga lưu vong ở nước ngoài mang tài sản hồi hương.