Ngày 26-4, Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) sau đó đã lên tiếng hoan nghênh động thái này.
Trong cuộc gọi, ông Tập khẳng định TQ luôn đứng về phía hòa bình trong xung đột Ukraine, và sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán vì hòa bình.
Ông cũng cho biết Bắc Kinh sẽ cử ông Lý Huy (cựu Đại sứ TQ tại Nga) làm đặc phái viên tới Ukraine và “các quốc gia khác” để trao đổi về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột.
Hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby gọi cuộc điện đàm là “một điều tốt” nhưng cho biết còn quá sớm để dự đoán liệu nó có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev hay không.
Ông nói: “Dù động thái có dẫn đến tiến trình hòa bình, kế hoạch hay đề xuất có ý nghĩa nào, tôi không nghĩ chúng ta có thể biết về điều này ngay bây giờ”.
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh: REUTERS |
Người phát ngôn cho biết Washington từ lâu đã bày tỏ mong muốn cuộc chiến tại Ukraine kết thúc, nói thêm rằng Mỹ sẽ hoan nghênh “bất kỳ nỗ lực nào để đạt được một nền hòa bình bền vững và đáng tin cậy”.
“Nếu có đàm phán hòa bình thì đó phải là khi Tổng thống Zelensky sẵn sàng đàm phán” - ông Kirby lưu ý thêm.
Về phía Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 26-4 ca ngợi Bắc Kinh vì những nỗ lực giúp khởi động lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa, theo đài RT.
Bà nói rằng tầm nhìn của Nga và TQ về con đường dẫn đến hòa bình “rất đồng điệu”.
“Vấn đề không nằm ở việc thiếu các kế hoạch tốt” - người phát ngôn nói, đổ lỗi cho Kiev là bên khiến các cuộc đàm phán năm 2022 thất bại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: RT |
Bà nói: “Chính quyền Kiev đến nay vẫn chưa tiếp thu bất kỳ sáng kiến hợp lý nào nhằm giải quyết một cách chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng. Thỏa thuận tổ chức đàm phán đang bị ràng buộc với các tối hậu thư với những yêu cầu phi thực tế”.
Trong khi Kiev đã nhiều lần nói rằng đàm phán chỉ có thể nối lại sau khi Nga trả lại cho Ukraine những vùng lãnh thổ mà Moscow đã sáp nhập, Nga gọi yêu cầu này là “phi thực tế”.
Cùng ngày, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu ông Eric Mamer gọi cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Zelensky là “bước đầu tiên quan trọng” của TQ trong việc thực hiện trách nhiệm của một thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
“Giới lãnh đạo TQ cần sử dụng ảnh hưởng của mình để khiến Nga chấm dứt chiến tranh, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và tôn trọng chủ quyền của Ukraine, làm cơ sở cho một nền hòa bình công bằng” - người phát ngôn nêu quan điểm của EU.