Áp lực phản công của Ukraine và thách thức của Nga trên chiến trường

Áp lực phản công của Ukraine và thách thức của Nga trên chiến trường

(PLO)- Nếu không có một chiến thắng quyết định, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine có thể suy yếu. Nga có nhiều lợi thế trên chiến trường nhưng cũng gặp không ít khó khăn. 

Các quan chức Mỹ cho biết Ukraine đang chuẩn bị phản công vào đầu tháng tới và hiện phải đối mặt với những nguy cơ lớn: Nếu không có một chiến thắng quyết định, sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine có thể suy yếu và Kiev sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán mà không có lợi thế thỏa thuận nào trong tay, theo tờ The New York Times.

Mặc dù Ukraine chia sẻ rất ít chi tiết về kế hoạch tác chiến với các quan chức Mỹ, nhưng cuộc phản công này có khả năng diễn ra ở phía nam của đất nước, bao gồm khu vực dọc theo bờ biển của Ukraine trên Biển Azov, gần bán đảo Crimea.

Cựu đại sứ Mỹ tại Nga và cũng là cựu Phó Tổng Thư ký NATO Alexander Vershbow cho biết: “Mọi thứ đều xoay quanh cuộc phản công này…Mọi người đều hy vọng, có thể lạc quan nhưng nó sẽ quyết định liệu sẽ có một kết quả xứng đáng cho người Ukraine hay không trong chuyện khôi phục lãnh thổ và tạo ra đòn bẩy quan trọng hơn nhiều để đạt được một số giải pháp thương lượng”.

Áp lực phản công của Ukraine

Trong khi các quan chức Ukraine cho biết mục tiêu của họ là phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga và tạo ra sự sụp đổ trên diện rộng trong quân đội Nga, các quan chức Mỹ đã đánh giá rằng cuộc phản công khó có thể dẫn đến một bước ngoặt có lợi cho Ukraine, theo The New York Times.

Lực lượng Ukraine phải đối mặt với nhiều thách thức và tương lai bế tắc vẫn là một điều rất có thể xảy ra. Giao tranh ở Bakhmut miền đông Ukraine trong mùa đông này đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ đạn dược và khiến một số đơn vị lính có kinh nghiệm chịu thương vong nặng nề.

Lính Ukraine trên chiến trường. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính Ukraine trên chiến trường. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Bên cạnh đó, nguồn cung cấp tên lửa phòng không và đạn pháo của Kiev là điều rất quan trọng để duy trì tấn công và để bảo vệ chống lại các cuộc tấn công trên không của Nga và các nguồn này có thể cạn kiệt đến mức nguy hiểm nếu quân Ukraine tiếp tục dùng đạn dược với tốc độ hiện tại.

Lính Ukraine đã bắn hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày khi cố gắng giữ Bakhmut, tốc độ mà các quan chức Mỹ và châu Âu cho là không bền vững và có thể gây nguy hiểm cho các cuộc tấn công sắp tới. Việc dùng đạn hao đến mức Lầu Năm Góc đã bày tỏ lo ngại với các quan chức ở Kiev, cảnh báo rằng Ukraine đang lãng phí đạn dược dành để dùng vào thời điểm quan trọng.

Theo các chuyên gia, sau khi cuộc phản công kết thúc, rất ít khả năng phương Tây có thể “nạp” lại đạn cho Ukraine chuẩn bị cho các cuộc tấn công sau đó. Lý do, các nước phương Tây không có đủ nguồn cung trong kho dự trữ hiện có và sản xuất trong nước sẽ không thể để lấp đầy khoảng trống cho đến năm sau.

Mặc dù lực lượng Ukraine có thể sử dụng máy bay không người lái (UAV) để tấn công phía sau chiến tuyến của Nga, nhưng sẽ không được cung cấp tên lửa có tầm bắn đủ xa để tấn công các trung tâm hậu cần của Nga, vốn là một chiến thuật đã được chứng minh là hiệu quả trong các cuộc tấn công vào mùa hè năm ngoái bên ngoài các tỉnh Kharkiv và Kherson.

Sẽ có yếu tố bất ngờ?

Dù vậy, các quan chức quân sự Mỹ nói rằng có khả năng quân đội Ukraine một lần nữa có thể gây bất ngờ. Ukraine hiện được trang bị xe tăng châu Âu và xe bọc thép chở quân của Mỹ, đồng thời có các đơn vị mới do lực lượng Mỹ và NATO huấn luyện và trang bị.

Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace bày tỏ: “Tôi lạc quan rằng từ năm nay đến năm sau, tôi nghĩ Ukraine sẽ tiếp tục có động lực với việc phản công. Tôi cũng nghĩ chúng ta nên thực tế. Sẽ không có một khoảnh khắc thần kỳ nào khiến nước Nga sụp đổ”.

Cơ hội tốt nhất để Ukraine thể hiện sự bất ngờ trong cuộc phản công sẽ phụ thuộc vào tình báo của Mỹ, NATO và Ukraine. Nếu Mỹ và các đồng minh có thể xác định những điểm yếu đáng kể trong hệ thống phòng thủ của Nga, Ukraine có thể khai thác chúng bằng xe tăng hiện đại và xe chiến đấu Bradley mà phương Tây gửi Ukraine.

Tuy nhiên, bước tiến lớn không được đảm bảo và cũng không phải là điều hiển nhiên. Quân Nga đã cài mìn dày đặc trên chiến trường và bước tiến của Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc lực lượng Ukraine có thể triển khai hiệu quả các thiết bị rà phá bom mìn, mà phần lớn trong số đó đã được phương Tây cung cấp, hay không.

Lính Ukraine đang triển khai hỏa lực tại một vị trí trên tiền tuyến. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính Ukraine đang triển khai hỏa lực tại một vị trí trên tiền tuyến. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Ukraine đã xây dựng các lữ đoàn chiến đấu mới bằng cách kết hợp các tân binh thô sơ với một nhóm nhỏ có những người lính dày dạn kinh nghiệm. Bắt đầu từ tháng 1, các đơn vị này đã đến các cơ sở huấn luyện của Mỹ ở Đức để học cách sử dụng thiết bị mới và cách tiến hành chiến thuật mà quân đội Mỹ gọi là diễn tập vũ trang kết hợp — sử dụng thông tin liên lạc hiệu quả để phối hợp lực lượng tiến công với các đơn vị hỗ trợ như xe tăng và pháo binh.

Theo nhiều quan chức Mỹ, việc huấn luyện về những chiến thuật đó đã diễn ra tốt đẹp, và lực lượng Ukraine đã chứng tỏ là mình tiếp thu nhanh. Tuy nhiên, việc sử dụng các chiến thuật mới thường dễ dàng hơn trong các bài tập huấn luyện so với trên chiến trường.

Tuy nhiên, những người lính chiến đấu ở Ukraine cho biết chiến thuật phức tạp hầu như không thể thực hiện được. Họ đã phải vật lộn để phối hợp tác chiến vì yêu cầu liên lạc cao nhưng khó thực hiện vì thiết bị vô tuyến của mỗi đơn vị khác nhau và dễ bị Nga gây nhiễu.

Một người lính Ukraine tham gia một cuộc tấn công thất bại gần đây ở miền nam Ukraine chia sẻ rằng việc phối hợp bất cứ hoạt động nào trên cấp trung đội - đơn vị khoảng 30 binh sĩ, hiện tại vẫn vô cùng khó khăn.

Nếu lính Ukraine thành công trong việc sử dụng các chiến thuật mới này, dù chỉ ở một mức độ khiêm tốn, thì Ukraine có thể vượt qua lực lượng Nga vượt trội về số lượng, như lời của Phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ - Đô đốc Christopher W. Grady: “Nếu họ (Ukraine) có thể vượt qua, thì tôi nghĩ họ có thể thay đổi động lực trên chiến trường”.

Nga có nhiều lợi thế nhưng cũng gặp không ít khó khăn

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự, đã có những nghi ngại về năng lực cơ bản của các chỉ huy Nga và việc đảm bảo nguồn lính được huấn luyện tốt cũng như đạn pháo và trang thiết bị của Nga.

Quân Nga đã sử dụng hết nhiều tên lửa hành trình, mất hàng nghìn người chỉ riêng ở trận chiến giành TP Bakhmut (tỉnh Donetsk) và dùng đạn dược nhanh hơn nhiều so với khả năng sản xuất.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong tháng này. Ảnh: SPUTNIK

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) họp với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trong tháng này. Ảnh: SPUTNIK


Tuy nhiên, Nga đang nỗ lực để giải quyết những lỗ hổng đó. Lực lượng Nga đã mài giũa khả năng sử dụng UAV và pháo binh để nhắm mục tiêu vào lực lượng Ukraine hiệu quả hơn. Gần đây, quân Nga đã bắt đầu sử dụng bom lượn - bom sử dụng trọng lực và các thiết bị dẫn đường cơ bản để tiếp cận mục tiêu mà không gây ra bất kỳ tiếng động nào, để cho thấy họ vẫn có khả năng triển khai vũ khí mới hơn trên chiến trường.

Trong các cuộc họp kín, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói ông tin rằng Nga có lợi thế về số lượng trên chiến trường vì nước này có nhiều máy bay, xe tăng, pháo binh và lính hơn Ukraine, Trong những cuộc họp, ông Shoigu tỏ ra vô cùng tin tưởng rằng Nga cuối cùng sẽ thắng thế, theo một quan chức cấp cao của châu Âu giấu tên có thông tin về các cuộc họp này.

Các quan chức tình báo Mỹ đã nhiều lần cho biết chính quyền Moscow tin rằng thắng lợi sẽ về tay Nga khi ý muốn hỗ trợ Ukraine của phương Tây lắng xuống.

Các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết Nga đang chuẩn bị các đợt động viên mới để củng cố hàng ngũ quân đội. Một số tài liệu Lầu Năm Góc bị rò rỉ cũng cho biết công ty quân sự tư nhân Nga Wagner đã khởi động lại việc tuyển quân từ các nhà tù của Nga.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi rằng liệu Moscow có đủ lính để lấp đầy các chiến hào đã xây dựng trên chiến tuyến hay không.

Mỹ và đồng minh phương Tây cũng đang cố gắng ngăn Nga tìm kiếm nguồn cung cấp vũ khí mới. Phương Tây đã cản trở hoạt động sản xuất trong nước của Nga bằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu, đồng thời gây áp lực ngoại giao lên các nước để từ chối yêu cầu cung cấp vũ khí của Nga.

Các quan chức Mỹ đã công khai thông tin tình báo về các cuộc thảo luận riêng của Bắc Kinh với Moscow, và phía Mỹ không thấy bất kỳ bằng chứng nào về việc Trung Quốc gửi vũ khí cho Nga. Tương tự, những nỗ lực của Nga để có được tên lửa dẫn đường từ Iran cho đến nay vẫn chưa mang lại kết quả.

Đọc thêm