Việc Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine đã thúc đẩy NATO thay đổi chiến lược, cố gắng củng cố năng lực quân sự để đảm bảo rằng liên minh đủ sức mạnh chống lại một cuộc xung đột với Nga.
Đổi chiến lược răn đe
Bên cạnh việc kết nạp thêm một thành viên trước đây đã từng là quốc gia trung lập - Phần Lan, NATO đang nhanh chóng chuyển từ trạng thái mà giới chuyên gia quân sự gọi là răn đe bằng trả đũa sang răn đe phủ nhận (deterrence by denial), theo tờ The New York Times.
Trước đây, giả thuyết cho rằng nếu Nga tấn công, các thành viên NATO sẽ cố gắng cầm cự cho đến khi các lực lượng đồng minh, chủ yếu là Mỹ, có thể đến hỗ trợ và ra đòn trả đũa nhằm đẩy lùi lực lượng Nga.
Tuy nhiên, với những hành động quyết đoán của Nga tại các khu vực Ukraine và sức mạnh của Nga trong những ngày đầu chiến dịch quân sự, cũng như khi Nga chiếm được một khu vực rộng lớn hơn một số nước vùng Baltic thì một số thành viên NATO như Ba Lan và các nước vùng Baltic tỏ ra đầy lo ngại.
Hai máy bay chiến đấu MIG 29 tham gia cuộc tập trận quân sự của NATO gần căn cứ không quân ở Lask, miền trung Ba Lan vào tháng 10-2022. Ảnh: AFP/ GETTY IMAGES |
Để ngăn chặn Nga làm như vậy, các nước NATO phải chuyển sang răn đe phủ nhận, hiểu đơn giản là NATO phải cho Nga thấy rằng Nga sẽ không đạt được mục tiêu trên chiến trường nếu tấn công vào liên minh.
Điều này có nghĩa là NATO sẽ phải thay đổi mạnh trên thực tế: triển khai nhiều quân hơn đóng thường trực dọc biên giới Nga, tích hợp nhiều hơn các kế hoạch chiến tranh của Mỹ và đồng minh, chi tiêu quân sự nhiều hơn và yêu cầu chi tiết hơn đối với các đồng minh để có các loại lực lượng cụ thể và trang thiết bị chiến đấu, nếu cần, để ở những nơi đã được chỉ định trước.
Theo Trợ lý Tổng thư ký NATO về đầu tư quốc phòng và cũng là nhà nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại - ông Camille Grand, tranh luận bây giờ không còn là lo lắng rằng “bao nhiêu là quá nhiều lực lượng” có thể khiến Nga nổi giận, mà chuyển thành “bao nhiêu mới là đủ” để đối phó với Nga, trong trường hợp xung đột nổ ra.
Ông Grand cho biết các nước Trung và Đông Âu nhấn mạnh rằng các nước này không còn nói rằng “chúng tôi sẵn sàng răn đe bằng cách sẽ tái chiếm lại lãnh thổ”, mà “chúng tôi cần bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO ngay từ ngày đầu tiên” và không thể để NATO nằm dưới sự kiểm soát của Nga trong vài tháng cho đến khi viện binh tới.
Cựu đại sứ Mỹ tại NATO Ivo H. Daalder cho rằng cuộc chiến ở Ukraine đã nhắc nhở liên minh rằng phải nghĩ đến vấn đề quốc phòng và cần cả tập thể nghĩ đến vấn đề đó.
Kế hoạch tác chiến sát sao, khắt khe hơn
Một quan chức đề nghị không nêu tên của NATO cho biết Tư lệnh tối cao của lực lượng đồng minh NATO - Tướng Christopher G. Cavoli đang kết hợp các kế hoạch chiến đấu của Mỹ và đồng minh. Mỹ đang trở lại trung tâm phòng thủ của châu Âu, cùng với NATO quyết định những cách Mỹ sẽ bảo vệ châu Âu, theo The New York Times.
Theo quan chức này, lần đầu tiên kể từ Chiến tranh Lạnh, các nước Đông Âu sẽ biết chính xác NATO dự định làm gì để bảo vệ các nước này cũng như mỗi nước có thể tự làm gì để tự vệ và các nước khác sẽ được giao nhiệm vụ giúp đỡ như thế nào. Bên cạnh đó, các nước phương Tây trong liên minh sẽ biết lực lượng của họ cần phải đi đến đâu, bằng những gì và bằng cách nào để đến đó.
Lính Đan Mạch dưới sự chỉ huy của NATO lái xe tăng diễu hành trên đường phố thủ đô Tallinn, Estonia nhân ngày Độc lập của Estonia hồi tháng 2. Ảnh: REUTERS |
NATO cũng đang điều chỉnh yêu cầu dài hạn từ các đồng minh với nhu cầu hoạt động trước mắt. Ví dụ, nếu trước đây các nước NATO có thể được yêu cầu gửi một số lực lượng viễn chinh được trang bị vũ trang hạng nhẹ với máy bay trực thăng tới Afghanistan, thì giờ đây, các nước sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ các khu vực cụ thể trên chính lãnh thổ NATO.
Việc lập kế hoạch trong NATO thỉnh thoảng gây khó chịu cho các thành viên nhưng sẽ trở nên khắt khe và cụ thể hơn. Các quốc gia trả lời bảng câu hỏi về năng lực và thiết bị mình có và các nhà hoạch định kế hoạch của NATO cho các nước này biết những gì còn thiếu hay cái gì nên cắt giảm.
Ví dụ một trường hợp, cựu Cố vấn quốc phòng cho phái bộ Mỹ tại NATO Robert G. Bell cho biết Đan Mạch được yêu cầu ngừng lãng phí tiền để chế tạo tàu ngầm còn Canada được thông báo rằng họ phải tăng số lượng máy bay tiếp nhiên liệu trên không.
Tăng quân, tăng chi tiêu quốc phòng
Sự thay đổi tại NATO dần bắt đầu từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2014, các nước NATO đã đồng ý về mục tiêu chi tiêu quân sự bằng 2% tổng sản phẩm quốc nội vào năm 2024.
Tuy nhiên, hiện tại chỉ có 8 trong số 31 nước, bao gồm thành viên mới Phần Lan, đạt được mục tiêu đó nhưng chi tiêu quân sự đã tăng đáng kể, tăng 350 tỉ USD kể từ năm 2014, theo The New York Times.
Nga luôn lên án việc NATO liên tiếp mở rộng ảnh hưởng đến sát biên giới Nga nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã khiến liên minh không còn ngần ngại rót thêm lực lượng dọc theo biên giới NATO và Nga nữa, theo The New York Times.
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo vào tháng 7 này, một kế hoạch chi tiêu mới sẽ được thống nhất, với mức tối thiểu là chi 2% GDP cho quân sự. Theo quan chức NATO giấu tên, với những diễn biến ở Ukraine, nếu các nước lớn trong NATO chi từ 2,5% đến 3% GDP cho quân đội trong thập niên tới là đủ.
Biên giới giữa Phần Lan và Nga ở gần thị trấn Imatra (Phần Lan) hồi tháng trước. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES |
Sau năm 2014, NATO đồng ý triển khai 4 lực lượng cấp tiểu đoàn ở các nước vùng Baltic và Ba Lan. Ý tưởng là nếu có xung đột nổ ra thì lực lượng này sẽ giao chiến và hy vọng nhận được quân tiếp viện 1 hoặc 2 tuần sau cuộc xung đột.
Sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine vào năm ngoái, NATO đã bổ sung thêm 4 tiểu đoàn tiền phương, để tạo thành 8 lực lượng cấp tiểu đoàn như vậy dọc theo rìa phía đông của NATO, hiện bao gồm Romania, Slovakia, Hungary và Bulgaria. Tuy nhiên, tổng quân số của cả 8 nhóm chiến đấu chỉ là 10.232, theo NATO.
Ông Bell cho biết NATO hiện đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lực lượng lên cấp lữ đoàn, nghĩa là bố trí khoảng 4.000 đến 5.000 binh sĩ ở mỗi quốc gia để tăng cường khả năng răn đe của NATO.
Về nguyên tắc, ban lãnh đạo NATO có thể kêu gọi 13 quân đoàn, mỗi quân đoàn từ 40.000 đến 50.000 quân tham chiến nếu cần thiết. Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của NATO thừa nhận rằng lực lượng thực sự có thể triển khai của NATO không nhiều đến mức đó.
Vì vậy, Tướng Cavoli và nhóm chỉ huy phải tìm ra cách tốt nhất để triển khai lực lượng và triển khai ở đâu để sẵn sàng cho một cuộc khủng hoảng, đồng thời cố gắng đảm bảo rằng các nước tiếp tục cải thiện tinh thần sẵn sàng tác chiến.