Mỹ, Triều giải bế tắc nhờ bức thư của ông Kim

Nhà Trắng hôm 10-9 (giờ Mỹ) thông báo Mỹ đã quay trở lại thảo luận với Triều Tiên về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, sau thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore. Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh cả Mỹ và Triều Tiên vẫn đang loay hoay với các cuộc đàm phán nhằm thực hiện “đồng thuận Singapore” về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Lá thư “nồng ấm” từ ông Kim

Theo tờ South China Morning Post, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận một bức thư từ người đồng cấp Triều Tiên Kim Jong-un. Trong thư, ông Kim đề nghị tổ chức cuộc gặp mặt cấp cao lần thứ hai với ông chủ Nhà Trắng. Hồi tháng 6 vừa qua, cuộc gặp lịch sử giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore đã tạo ra một dấu ấn quan trọng trong quan hệ hai nước, cũng như trong tiến trình giải quyết vấn đề hạt nhân tại bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi - phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể bị đảo ngược - vẫn chưa thể diễn ra. Nhiều chuyên gia lo ngại nếu thế giằng co kéo dài, quan hệ Mỹ-Triều có thể lại đổ vỡ, tình hình an ninh có thể tồi tệ hơn. Thực tế cho thấy Bình Nhưỡng đang tỏ ra “cương quyết nhưng mềm dẻo”.

Triều Tiên cương quyết cho thấy việc bảo vệ chính quyền Kim Jong-un là ưu tiên trên hết khi bàn về phi hạt nhân hóa. Điều đó thúc đẩy Bình Nhưỡng cố gắng thuyết phục Mỹ và các bên liên quan như Trung Quốc, Hàn Quốc ký kết một hiệp định hòa bình, thay thế cho hiệp định đình chiến cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Các thể chế đảm bảo hòa bình trong dài hạn cũng như việc cắt giảm, tiến tới xóa bỏ lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép ông Kim có đủ thời gian để đưa Triều Tiên trở thành “quốc gia bình thường” và không gặp phải bất kỳ “bi kịch” nào như bài học từ Tổng thống Libya Gaddafi.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) đã gửi một bức thư “nồng ấm” đến Tổng thống Mỹ Donald Trump, đề nghị tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Ảnh: GETTY

Dù vậy, Triều Tiên cũng tỏ ra kiên nhẫn hơn bao giờ hết khi có hàng loạt động thái hòa hiếu với Mỹ. Các hoạt động chính trị trong nước của ông Kim được đưa tin trên báo chí trong năm qua thay vì tập trung vào các chương trình thử nghiệm hạt nhân như trước, nay hướng về các hoạt động sản xuất hàng hóa, phát triển công nghiệp. Lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Triều Tiên được tổ chức trọng thể vào tuần trước cũng diễn ra trong không khí “khác thường” khi Bình Nhưỡng không trình diễn các loại vũ khí tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hạng nặng, vốn mang tính khiêu khích Hàn Quốc, Nhật Bản lẫn Mỹ. Thay vào đó, ông Kim đưa khẩu hiệu cải cách và tập trung vào phát triển kinh tế.

Bức thư mà ông Kim gửi đến ông Trump mới đây được thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders mô tả là “rất nồng ấm và rất tích cực”. “Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai là điều chúng tôi mong muốn và Mỹ sẵn sàng làm việc để chương trình thượng đỉnh này có thể diễn ra” - bà Sanders cho biết. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa quyết định thời gian và địa điểm dự kiến tổ chức cuộc gặp “lịch sử” lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều.

Và kỳ vọng của ông Trump

Điều lạc quan nhất với vấn đề Triều Tiên, ngoài dấu hiệu “nồng ấm” của ông Kim còn có thái độ sẵn sàng của ông Trump. Đương kim tổng thống Mỹ, dù đã tỏ ra khá thất vọng về tiến trình thực hiện thỏa thuận Singapore, vẫn rất kỳ vọng rằng Washington có thể thuyết phục Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa. Quyết định hủy chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Triều Tiên vài tuần trước của ông Trump là dấu hiệu cho thấy nhượng bộ của Mỹ đã chạm đến đỉnh điểm và lần này nhiệm vụ chủ động tìm kiếm thương thuyết nhằm giải thế bế tắc được chuyển về phía Triều Tiên.

Trong một buổi diễn thuyết tại tiểu bang Montana vào cuối tuần trước, ông Trump bày tỏ lạc quan về Triều Tiên khi khẳng định ông Kim Jong-un đã nói những điều rất tuyệt vời. Tổng thống Mỹ dẫn nguồn tin từ các đặc sứ Hàn Quốc trở về từ Bình Nhưỡng sau khi gặp mặt ông Kim Jong-un cho biết Triều Tiên thật sự mong muốn phi hạt nhân hóa.

Chính quyền Trump tỏ ra hồ hởi khi chương trình duyệt binh mới đây trong lễ quốc khánh Triều Tiên đã không phô diễn kho vũ khí hạt nhân, cho thấy chính quyền ông Kim đang có những bước đi không nhằm vào việc chống đối Mỹ. Trong khi đó, ông Trump viết trên Twitter hôm Chủ nhật 9-9 rằng quyết định không trình diễn tên lửa vào dịp quốc khánh là một động thái to lớn và tích cực của ông Kim. “Tổng thống Trump đã đạt được những thành công quan trọng với các chính sách của mình cho đến lúc này. Lá thư của ông Kim đã bổ sung bằng chứng cho những tiến bộ trong quan hệ hai nước” - bà Sanders nói.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ vẫn “đang chờ đợi” Triều Tiên có những hành động đột phá. “Cuộc gặp lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều là hoàn toàn khả dĩ. Tuy nhiên, Tổng thống Trump không thể để Triều Tiên vượt qua cánh cửa mà ông ấy đang mở sẵn. Triều Tiên phải tiến hành các bước đi nhằm phi hạt nhân hóa và đó chính là những gì chúng tôi đang chờ đợi” - ông Bolton khẳng định.

Trump-Kim sẽ gặp nhau tại Mỹ trong tháng 9?

Một số chuyên gia phân tích cho rằng thượng đỉnh Trump-Kim có thể được diễn ra vào tháng này tại New York, cùng dịp tổ chức cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, đến nay lãnh đạo Triều Tiên vẫn chưa xác nhận có tham gia cuộc họp này hay không. Các quan chức Mỹ, theo Washington Post, cho biết trong tư cách cá nhân rằng cuộc gặp Trump-Kim khả năng sẽ không diễn ra vào dịp này.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm