Thông báo này được đưa ra khi quan chức hai nước đang thảo luận các giải pháp liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như các biện pháp trừng phạt mà Bình Nhưỡng đang gánh chịu.
“Cú hích” giảm căng thẳng Mỹ-Triều
Thượng đỉnh tới đây giữa hai miền Triều Tiên sẽ là cuộc gặp lần thứ ba tính từ tháng 4 năm nay. Kế hoạch chương trình lần này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Triều Tiên-Mỹ xấu đi đáng kể vì vấn đề phi hạt nhân hóa được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cách đây hơn hai tháng tại Singapore.
Washington vẫn đang theo đuổi mục tiêu việc cắt giảm trừng phạt với Bình Nhưỡng chỉ có thể diễn ra sau khi quá trình phi hạt nhân hóa diễn ra “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tiến hành một số động thái mà nước này gọi là “thiện chí” như phá hủy một cơ sở sản xuất hạt nhân, trao trả tù nhân Mỹ, trao trả hài cốt quân nhân Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953… Riêng với phi hạt nhân hóa, Triều Tiên rất thận trọng, không giấu mong muốn Mỹ giải trừ cấm vận trước khi yêu cầu Bình Nhưỡng hoàn tất phi hạt nhân hóa. Trước thái độ cứng rắn của Washington, Bình Nhưỡng tuy “né” ông Trump nhưng chỉ trích một số quan chức Mỹ đòi hỏi quá mức mà không có hành động thiện chí đáp lại những gì Triều Tiên đã làm.
Thượng đỉnh liên Triều tháng 9 có thể là một cú hích tích cực cho quan hệ Mỹ-Triều. Cuộc gặp đầu tiên trong năm nay diễn ra vào tháng 4, được xem là sự kiện lịch sử làm ấm lại quan hệ hai nước, mở ra cơ hội đối thoại giữa Triều Tiên và Mỹ. Cuộc gặp lần hai diễn ra vào tháng 5, góp phần giải cứu tình thế căng thẳng Mỹ-Triều khi trước đó chỉ hai ngày, Tổng thống Trump tuyên bố hủy thượng đỉnh Mỹ-Triều tại Singapore.
Nếu logic này một lần nữa diễn ra, cuộc gặp Kim-Moon sẽ mang lại những giải pháp và hàm ý quan trọng để giải quyết vấn đề hạt nhân lẫn lệnh trừng phạt Triều Tiên. Đồng thời thúc đẩy Washington và Bình Nhưỡng có thể đẩy nhanh các tiến trình bình thường hóa quan hệ mà khả dĩ là tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai cuối năm nay, hay thậm chí là một hiệp ước hòa bình thay thế hiệp ước đình chiến 1953.
Quan chức Hàn-Triều thống nhất về thượng đỉnh Kim-Moon tháng 9. Ảnh: GETTY
Trông chờ vào “cầu nối” Hàn Quốc
Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in cũng tiết lộ động cơ làm cầu nối cho Mỹ-Triều bằng cách thuyết phục Bình Nhưỡng tiến hành các bước cụ thể để giải trừ hạt nhân. “Chính phủ chúng tôi đang nỗ lực đóng vai trò điều phối” - cố vấn đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, ông Chung-in Moon, nói. Ông Chung-in Moon cũng tin rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ đến thăm Bình Nhưỡng vào đầu tuần tới.
“Tôi nghĩ Bình Nhưỡng và Washington sẽ có thể đi đến một số thỏa hiệp. Và chúng tôi hy vọng rằng Ngoại trưởng Pompeo có thể giải quyết một số thỏa hiệp với người đồng cấp Triều Tiên. Đồng thời chúng tôi cũng đang thuyết phục Triều Tiên rằng nếu không tiến hành một số động thái cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa thì sẽ rất khó để Mỹ có thể chấp nhận lập trường của Triều Tiên” - Reuters dẫn lời ông Chung-in Moon.
Báo cáo mới đây của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tiết lộ Triều Tiên chưa ngừng các chương trình tên lửa và hạt nhân. Bên cạnh đó, báo cáo cho rằng Bình Nhưỡng gia tăng mạnh giao dịch các mặt hàng dầu mỏ, đồng thời nỗ lực bán vũ khí ra nước ngoài.
Washington không chịu nhượng bộ Bình Nhưỡng. Triều Tiên chống đối nhưng cũng đang bức bách với các nhu cầu ổn định, phát triển kinh tế trong nước, giảm áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ, lo ngại kịch bản Libya nếu giải trừ hạt nhân. Trong bối cảnh đó, nhiều người kỳ vọng vai trò điều phối của Hàn Quốc hơn bao giờ hết. Với vai trò là đồng minh của Mỹ nhưng cũng là “anh em” và “láng giềng” có lịch sử gắn bó mật thiết với Triều Tiên, Hàn Quốc được xem là nhân tố hoàn hảo để tìm ra một giải pháp chung cho vấn đề hạt nhân, cấm vận mà Mỹ-Triều bế tắc.
Hy vọng đoàn viên của người dân Hàn-Triều Thông tin về thượng đỉnh Kim-Moon lần thứ ba vào tháng 9 còn tạo ra niềm hy vọng cho rất đông người dân hai miền Triều Tiên, thậm chí đối với những người từ lâu đã không trông chờ vào việc hai miền có thể thống nhất thành một đất nước. Ông Hwang Rae-ha (77 tuổi) nói trên Reuters rằng ông mong mỏi gặp lại mẹ của mình nhưng gần 70 năm sau khi chia tay bà, ông chỉ nhìn mẹ mình qua ảnh. “Thời gian đã trôi qua quá lâu và giờ đây không còn hy vọng. Tôi không nghĩ rằng mẹ tôi còn sống” – ông Hwang tâm sự. Chiến tranh Triều Tiên nổ ra trong ba năm (1950-1953), gia đình ông Hwang phải chạy sang Hàn Quốc. Mẹ của ông Hwang trở về Triều Tiên và mong rằng hòa bình sẽ lập lại nhưng mọi thứ không diễn ra và bà không thể quay lại. Mấy mươi năm qua, thậm chí ông Hwang đã dựng một ngôi nhà trong tầm nhìn về phía Triều Tiên để mong mẹ quay lại. Có 57.000 người Hàn Quốc đăng ký với chính phủ, hy vọng có thể gặp lại người thân dù là ngắn ngủi. Chỉ 93 người Hàn Quốc và 88 người Triều Tiên được chọn tham gia vào cuộc tái hợp diễn ra vào ngày 20-8 tới đây tại khu nghỉ dưỡng núi Kumgang ở Triều Tiên. “Tôi vẫn khóc khi nói về gia đình mình. Có lẽ tôi sẽ lại khóc khi tôi gặp lại họ. Tôi đã vui phát điên khi tôi biết mình được chọn” - bà Bae Soon-hui, 82 tuổi, người được chọn để gặp lại các chị em của mình lần đầu tiên kể từ khi cuộc chiến Triều Tiên xảy ra gần 70 năm trước. THÙY ANH |