Tối 22-6 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew đã long trọng tiếp đón Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng Uông Dương tại buổi tiệc tối ở Washington.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã chủ trì cuộc gặp riêng về vấn đề an ninh trước khi hai bên chính thức bước vào thảo luận tại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung lần thứ bảy trong hai ngày 23 và 24-6.
AFP đưa tin tối 22-6, hai bên Mỹ-Trung đã thảo luận thẳng thắn và trực tiếp về nhiều bất đồng như an ninh mạng, biển Đông, nhân quyền cũng như các chủ đề hợp tác về khí hậu, Iran và CHDCND Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby không cho biết chi tiết nội dung hội đàm. Ông chỉ nói: “Chúng tôi tìm kiếm mở rộng hợp tác đối với nhiều thách thức quốc tế như biến đổi khí hậu, phát triển, viện trợ nhân đạo, đối phó dịch bệnh hay bảo vệ đại dương”.
Ông cho biết Washington khen ngợi Mỹ-Trung đã tiến hành các chính sách phối hợp về các vấn đề khu vực như Iran, Iraq, Syria, CHDCND Triều Tiên và Afghanistan. Dù vậy, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng như xung đột trên biển (ám chỉ tham vọng của Trung Quốc ở biển Đông), an ninh mạng, nhân quyền. Vấn đề tin tặc đã được hai bên trao đổi thẳng thắn.
Máy bay P3-C Orion của Nhật chuẩn bị cất cánh từ sân bay Puerta Princesa (Philippines) bay đến bãi Cỏ Rong. Ảnh: REUTERS
Người phát ngôn kết luận nói chung Mỹ quyết tâm cải thiện quan hệ với Trung Quốc.
Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin hai bên đã cam kết tiến hành xây dựng mối quan hệ ổn định về lĩnh vực an ninh.
Trong khi đó, báo The Seattle Times (Mỹ) ngày 22-6 đã đăng bài viết lo ngại Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo nhằm đưa tàu ngầm tới biển Đông.
Chuyên gia Carl Thayer ở ĐH New South Wales (Úc) nhận định Trung Quốc xem biển Đông là tài sản chiến lược vì biển Đông bảo vệ sườn phía nam của Trung Quốc, trong đó có một căn cứ tàu ngầm ở Tam Á (đảo Hải Nam).
Tại đây, hải quân Trung Quốc đã xây dựng các đường hầm dưới nước để bí mật neo đậu một số tàu ngầm, bao gồm tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo.
Ông cho rằng Trung Quốc mở rộng tuyên bố chủ quyền ở biển Đông nhằm lập pháo đài trú ẩn cho hạm đội tàu ngầm để tránh bị phát hiện vì biển Đông là nơi quá lý tưởng do có độ sâu hàng ngàn mét với các hẻm núi dưới biển.
GS Bernard D. Cole ở Học viện Chiến tranh quốc gia Mỹ ghi nhận thời chiến tranh lạnh, để tránh bị Mỹ theo dõi, Liên Xô (cũ) đã lập chiến lược xây dựng pháo đài tàu ngầm cho tàu ngầm hoạt động bí mật càng gần các căn cứ Mỹ càng tốt. Ông cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc cũng áp dụng chiến lược này ở biển Đông, đồng thời sẽ nâng tầm bắn của tên lửa đạn đạo để đối phó với Mỹ. Tàu ngầm Trung Quốc gây tiếng ồn lớn nên dễ bị phát hiện, do đó khó hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Dù vậy, nếu Trung Quốc cải thiện được tầm bắn tên lửa thì không cần di chuyển tàu ngầm khỏi biển Đông.
Trung Quốc cũng có thể đơn phương tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông để hạn chế máy bay Mỹ theo dõi đội tàu ngầm Trung Quốc.
Ngày 23-6, một máy bay tuần tra P3-C Orion của Nhật chở ba binh sĩ Philippines đã bay ở độ cao 1.534 m trên bãi Cỏ Rong thuộc vùng biển tranh chấp trên biển Đông để bắt đầu cuộc tập trận chung Philippines-Nhật. Bay theo máy bay Nhật là một máy bay nhỏ hơn của Philippines. Đây là lần đầu tiên lực lượng phòng vệ Nhật phối hợp với quân đội Philippines thực hiện phi vụ như thế. Tại sân bay Puerta Princesa (Philippines), Đại tá hải quân Jonas Lumawag cho biết: “Chúng tôi đã thực tập tìm kiếm và cứu nạn vốn là nội dung chủ yếu trong các chiến dịch hỗ trợ và can thiệp trong thảm họa”. 154 tên lửa là số tên lửa tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio USS Michigan (Hạm đội 7 Mỹ) có thể chở được. Chiều 23-6, tàu ngầm đã đến căn cứ hải quân Busan (Hàn Quốc). USS Michigan dài 170,6 m có lượng giãn nước 18.750 tấn khi chìm chở được hơn 100 quân. |