CNN đưa tin, Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin trên. Một quan chức quân đội Mỹ mô tả hoạt động đánh chặn trên là an toàn và chuyên nghiệp, xảy ra cách quần đảo Kodiak 160 km sau khi hai oanh tạc cơ Tu-95 của Nga bay vào Vùng nhận diện phòng không Alaska. Người này cho biết giữa các phi công của Mỹ và Nga không có liên lạc radio.
Các quan chức quân đội khác của Mỹ đánh giá đây là vụ việc "không có gì bất thường" và "không khác so với những gì từng xảy ra trước đây liên quan đến hoạt động của đơn vị không quân tầm xa của Nga".
Chiến đấu cơ tàng hình F-22 Raptor của Mỹ. Ảnh: CNN
Tuy nhiên, Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger bang Illinois cho rằng Moscow đã cố tình phô diễn sức mạnh bằng cách bay áp sát bờ biển Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa hai cường quốc.
"Đây là một cuộc phô trương sức mạnh của Nga nhằm cho chúng ta thấy rằng họ vẫn hiện diện ở đó", ông Kinzinger nói. Đó là "nỗ lực áp sát biên giới của Mỹ có thể nhất để xem chúng ta sẽ phản ứng như thế nào".
Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây thể hiện quan điểm hoài nghi hơn về khả năng cải thiện quan hệ với điện Kremlin sau vụ Washington nã 59 quả tên lửa Tomahawk vào căn cứ Shayrat của Syria.
"Ngay lúc này chúng ta không thể hòa hợp với Nga. Quan hệ Mỹ - Nga có thể đang ở mức thấp nhất trong lịch sử"- ông Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hồi tuần trước.
Vụ đánh chặn hôm 17-4 là vụ mới nhất trong các vụ chạm trán liên quan tới quân đội Nga và Mỹ. Tàu do thám Nga Viktor Leonov đã hai lần bị phát hiện gần bờ biển Mỹ trong những tháng gần đây.
Hồi tháng 7-2015, Mỹ cũng đã tung các chiến đấu cơ chặn máy bay Nga ở ngoài khơi California.