Myanmar với vai trò chủ tịch ASEAN

Ngày 17-1, lần đầu tiên Myanmar chủ trì hội nghị ngoại trưởng hẹp ASEAN với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2014. Đây là lần đầu tiên Myanmar đảm nhận cương vị chủ tịch ASEAN từ khi gia nhập ASEAN vào năm 1997.

Trong nhiệm kỳ một năm ở cương vị chủ tịch ASEAN, Myanmar sẽ phải tổ chức và chủ trì hơn 240 cuộc họp với cam kết sẽ nỗ lực nhằm bảo đảm hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ASEAN.

Với những cải cách gần đây về tự do ngôn luận, xã hội dân sự và bầu cử, hình ảnh Myanmar trên trường quốc tế đã được cải thiện đáng kể.

Câu hỏi được đặt ra là liệu Myanmar có hoàn thành nhiệm vụ chủ tịch ASEAN trong bối cảnh Myanmar đang chịu sức ép về nhân quyền và đặc biệt là ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc?

Buổi sáng thanh bình ở góc phố đường Botataung Pagoda tại Yangon, trung tâm kinh tế và văn hóa của Myanmar. Ảnh: NGỌC LONG

Năm 2012, khi Campuchia giữ quyền chủ tịch ASEAN, do bất đồng về vấn đề biển Đông nên hội nghị ASEAN ở Campuchia không ra được tuyên bố chung. Các chuyên gia nhận định có thể kinh nghiệm của Campuchia không giúp gì nhiều cho Myanmar nhưng ít ra Myanmar có thể học cách tránh rơi vào “vết xe cũ”.

Ông Ko Ko Hlaing, cố vấn chính trị cho Tổng thống Myanmar Thein Sein, nhận định Myanmar có thể cởi mở hơn Campuchia trong vai trò chủ tịch ASEAN và năm 2014 là cơ hội để Myanmar thể hiện sự tiến bộ chính trị của mình.

Vụ trưởng vụ ASEAN Aung Lynn cho rằng Myanmar đang cho thấy sẽ nỗ lực hết sức để đáp ứng các chuẩn mực khu vực. Myanmar đã quan sát kỹ các hội nghị cấp cao ASEAN trước đây và sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông.

GS Carl Thayer ở ĐH New South Wales (Úc) ghi nhận Myanmar sẽ cố hết sức thể hiện vai trò chủ tịch một cách độc lập và thể hiện vai trò trung gian hòa giải trong vấn đề biển Đông.

Ông tin tưởng cam kết cân bằng tại Myanmar sẽ được thể hiện rõ nét trong năm 2014. Ông ghi nhận Myanmar đã nhìn thấy được mong muốn của ASEAN và cả áp lực từ Trung Quốc. Ông dự đoán Myanmar sẽ thực hiện đường lối của ASEAN về vấn đề biển Đông nhưng đó chưa hẳn là ưu tiên.

GS Carl Thayer nhận định diễn biến chính gây sức ép lên Myanmar có thể xảy ra nếu Trung Quốc tuyên bố thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên biển Đông. Lúc đó Myanmar sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng nếu không ngả theo Bắc Kinh.

Chuyên gia phân tích các vấn đề ASEAN Peter Tan Keo cho rằng bài học đối với Myanmar chính là tôn trọng truyền thống ASEAN và Myanmar có thể đưa ra các bước ngoại giao mà không làm rạn nứt chính trị trong ASEAN. Myanmar cũng cần phải xây dựng niềm tin và nhân nhượng với các đối tác chiến lược chính trong và ngoài ASEAN.

Khả năng tăng cường đoàn kết của Myanmar là rất quan trọng trong bối cảnh khối ASEAN đang trên đường hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015.

Chuyên gia Peter Tan Keo ghi nhận các nước như Indonesia, Thái Lan, Singapore và Malaysia sẽ không do dự nhắc nhở Myanmar về tầm quan trọng của vấn đề duy trì đoàn kết trong ASEAN.

Myanmar và Campuchia đã ký kết nhiều thỏa thuận mới với Nhật. Theo tạp chí The Diplomat (Nhật), Nhật ký kết nhiều thỏa thuận với Campuchia ít nhiều dựa trên mong muốn kiềm chế Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Dù vậy, trong những động thái cân bằng quan hệ ngoại giao, có lẽ Campuchia đang đi sau Myanmar một bước.

DUY KHANG

Myanmar là một trong những nước nghèo nhất thế giới và nghèo nhất Đông Nam Á. Myanmar mới bắt đầu mở cửa kinh tế sau khi Mỹ và châu Âu hủy bỏ cấm vận vào năm 2012. Từ đó Myanmar liên tục tiến hành cải cách nhằm thu hút vốn nước ngoài. Năm 2013, Myanmar đã thu hút 1,5 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng gấp năm lần so với năm 2012. Giao dịch thương mại và đầu tư của Myanmar chủ yếu với Trung Quốc, Hong Kong, Nhật, Hàn Quốc và Singapore.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới