Nếu có thì tất cả NLĐ sẽ được tăng lương hay chỉ có một vài đối tượng tăng lương? Mức lương tối thiểu vùng mới được quy định ra sao?
Bạn đọc Nguyễn Thị Thúy (nguyenthuy…@yahoo.com)
Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Ngày 15-11-2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 90/2019, có hiệu lực từ ngày 1-1-2020.
Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 90/2019, mức lương tối thiểu vùng quy định là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và NLĐ thỏa thuận và trả lương.
Trong đó, mức lương trả cho NLĐ làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận phải bảo đảm các điều kiện sau:
- Không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc giản đơn nhất.
- Cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng đối với NLĐ làm công việc đòi hỏi NLĐ đã qua học nghề, đào tạo nghề.
Dựa trên quy định này, khi mức lương tối thiểu vùng tăng thì không phải tất cả NLĐ đều được tăng lương.
Theo đó, hai đối tượng NLĐ sau sẽ được tăng lương khi lương tối thiểu vùng tăng:
Thứ nhất, NLĐ đang có mức lương dưới mức lương tối thiểu vùng được quy định theo Nghị định 90 sẽ được tăng lương để đảm bảo bằng với mức lương tối thiểu vùng mới.
Thứ hai, NLĐ làm công việc đã qua đào tạo nghề, học nghề đang hưởng mức lương thấp hơn 7% so với mức lương tối thiểu vùng được quy định theo Nghị định 90 sẽ được tăng lương để đảm bảo mức lương cao hơn 7% mức lương tối thiểu vùng mới.
Theo Điều 3 Nghị định 90, mức lương tối thiểu vùng được quy định như sau: Vùng I: 4.420.000 đồng, vùng II: 3.920.000 đồng, vùng III: 3.430.000 đồng, vùng IV: 3.070.000 đồng.