Ngày 28-8, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng XIII tổ chức phiên họp toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng tiểu ban. Phiên họp nhằm cho ý kiến, tiếp tục cập nhật, điều chỉnh, hoàn thiện các dự thảo văn kiện để phù hợp với tình hình mới.
Với 51 thành viên, tiểu ban đã có sáu phiên họp toàn thể kể từ phiên đầu tiên vào tháng 11-2018. Cuộc họp lần này tập trung cho ý kiến về hai nội dung: Một là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo trong bối cảnh Việt Nam (nhìn rộng ra là toàn cầu) đang gánh chịu những tác động rất nặng nề của COVID-19. Hai là bàn về các công việc cần tiếp tục triển khai của tiểu ban trong thời gian tới.
Không để nền kinh tế đứt gãy
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng trong một thế giới thay đổi rất nhanh, chúng ta cần nhạy cảm, nhanh nhạy hơn trong quản trị nhà nước.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: Trong khó khăn của đất nước, chúng ta đã cố gắng vượt qua. Thủ tướng nhắc tới kết quả cuộc điều tra xã hội học, tìm hiểu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương, theo đó có đến 97% người dân được hỏi đều thể hiện sự tin tưởng đối với các biện pháp của Đảng, Nhà nước trong phòng, chống COVID-19; tình cảm dân tộc, “ý Đảng, lòng dân” là nền tảng quan trọng để chúng ta vượt qua khó khăn.
Thủ tướng cho rằng vấn đề khát vọng dân tộc, đổi mới sáng tạo với nền tảng văn hóa con người Việt Nam cần được khẳng định trong các dự thảo văn kiện, đặc biệt trong bối cảnh cả thế giới và Việt Nam gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
“Đất nước ta, con người Việt Nam chúng ta cần thích ứng, thay đổi cách quản lý để làm sao vượt qua khó khăn với tinh thần lạc quan” - Thủ tướng nói và cho rằng không có tinh thần lạc quan thì khó có thể phát triển.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị làm rõ hơn kết quả nổi bật trong thực hiện mục tiêu kép, vừa quyết liệt phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Trước một số ý kiến đề nghị đặt mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng 2% trong năm 2020, Thủ tướng cho rằng không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng, phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN
Phát triển, bồi dưỡng nhân tài
Về chủ đề của chiến lược, tiểu ban thống nhất cần bảo đảm thống nhất với báo cáo chính trị (là văn kiện trung tâm của đại hội). Theo đó, đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, thuộc nhóm trên của các nước có thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao.
Liên quan đến quan điểm phát triển, Thủ tướng đồng ý với các ý kiến của tổ biên tập bổ sung nội hàm về chuyển số và hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới, chú ý phát triển doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp dân tộc.
Về đột phá chiến lược, Thủ tướng thống nhất bổ sung các nội hàm về phát triển, bồi dưỡng nhân tài, khát vọng phát triển, hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới với tính tự chủ, khả năng thích ứng và chống chịu của nền kinh tế. “Tôi đề nghị các thành viên ở tổ biên tập và thường trực Ban chỉ đạo xem xét, cân nhắc kỹ, bổ sung các nội hàm mới phù hợp với tình hình mới, cả về thể chế, nhân lực và hạ tầng” - Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu hai bộ KH&ĐT và Tài chính tính toán kỹ lại các chỉ tiêu về tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tinh thần là phải tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kể cả đầu tư xã hội và đầu tư công.
Thủ tướng cũng yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế số, các mô hình, phương thức kinh doanh mới, mang tính sống còn trong điều kiện bình thường mới do tác động của COVID-19…