Năm 2023, năm đặc biệt của giao thông liên vùng TP.HCM

(PLO)- Ngoài các đường vành đai kết nối với các tỉnh lân cận, năm tới TP.HCM cũng sẽ thông qua chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông) cho biết năm 2023 sẽ khởi công hàng loạt dự án mang tính kết nối TP với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như các dự án cao tốc và đường vành đai.

Khởi công hàng loạt cao tốc, đường vành đai

“Năm 2023, TP sẽ khởi công hàng loạt công trình trọng điểm như đường vành đai 3 vào ngày 30-6, rồi triển khai tiếp đường vành đai 2, trình chủ trương đầu tư đường vành đai 4” - ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban giao thông, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM.

Theo ông Phúc, ngoài các đường vành đai kết nối với các tỉnh lân cận, năm tới TP.HCM cũng sẽ thông qua chủ trương đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (kết nối với tỉnh Tây Ninh), phối hợp với tỉnh Bình Dương để chuẩn bị cho dự án cao tốc TP.HCM - Chơn Thành.

“Năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt vì nó mở đầu 10 năm đột phá trong hạ tầng giao thông ở TP.HCM và vùng trọng điểm phía Nam, vì đây là năm bắt đầu triển khai hàng loạt dự án lớn mang tính liên vùng kết nối như là cao tốc, đường vành đai, cũng như các dự án kết nối cảng hàng không Tân Sơn Nhất và khu vực cảng Cát Lái” - ông Phúc nói.

Điển hình nhất cho giao thông kết nối TP.HCM với các tỉnh là TP vừa khởi công dự án mở rộng Quốc lộ 50 tăng cường kết nối với tỉnh Long An và các tỉnh miền Tây, tháo nút thắt “cổ chai” lớn nhất giữa TP.HCM đi về phía tây - tây nam. Dự án này cũng tăng cường kết nối khu vực cửa ngõ phía nam TP.HCM với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, tuyến đường vành đai 3 TP.HCM trong thời gian tới.

TP.HCM đã triển khai thực hiện cắm mốc giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 để chuẩn bị thực hiện dự án năm 2023. Ảnh: ĐÀO TRANG

TP.HCM đã triển khai thực hiện cắm mốc giải phóng mặt bằng đường vành đai 3 để chuẩn bị thực hiện dự án năm 2023. Ảnh: ĐÀO TRANG

Liên kết vùng gắn với hiệu quả kinh tế - xã hội

“Những vấn đề hạ tầng đô thị, những vấn đề liên kết vùng phải được gắn kết chặt chẽ với hiệu quả kinh tế - xã hội, nó rất quan trọng. Ví dụ, chúng ta muốn phát triển một tuyến đường thì không chỉ xây dựng con đường đó là xong, mà phải quan tâm đến quy hoạch hai bên con đường để phát triển theo mô hình TOD” - TS khoa học-KTS Ngô Viết Nam Sơn đánh giá về giao thông liên kết vùng.

Theo ông Sơn, ai cũng biết phát triển giao thông thì phải làm theo mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, tạo điều kiện cho việc gia tăng mật độ dân cư) nhưng rất ít trường hợp làm theo mô hình TOD đúng nghĩa.

“Những tuyến đường phải gắn kết với hạ tầng xã hội kèm theo. Cách làm cũ khiến chúng ta cứ loay hoay giải quyết vấn đề kẹt xe. Ví dụ như tuyến metro số 1, làm đúng theo mô hình TOD thì trên tuyến này có cả hệ thống xe buýt kết nối, có bãi xe, có hệ thống hạ tầng xã hội như nhà cao tầng, trường học, chỗ làm việc… chứ không phải làm metro chỉ để giải quyết vấn đề kẹt xe” - ông Sơn phân tích thêm.

Đồng tình, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng đã phát triển TP.HCM thì phải quan tâm đến phát triển vùng. Trong đó, hạ tầng là quan trọng nhất của TP.HCM, là “cơ thể sống” để TP phát triển nhưng đến nay, ngoài đường vành đai 1, rồi đường vành đai 2 dang dở thì TP chưa hoàn thiện được hệ thống đường vành đai.

“Đường vành đai 3 sắp tới sẽ triển khai rồi chuẩn bị là đường vành đai 4, khi hoàn thiện các đường vành đai này thì chúng ta sẽ kết nối được hệ thống giao thông từ ngoài với TP. Đặc biệt là đường vành đai 3 đang rất được người dân quan tâm, có đường vành đai 3 sẽ kết nối giao thông TP được đi các nơi” - ông Chính nêu thực tế.

Theo ông Chính, đã nói tới giao thông thì phải nói đến kết nối mà TP hiện rất thiếu đường vành đai, cao tốc để kết nối. “Chúng ta phải làm sao để TP.HCM tăng tính kết nối, kết nối mang tính quốc gia và quốc tế như câu chuyện chúng ta đang làm sân bay Long Thành. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là 30.000 km2 cho tám tỉnh. Chúng ta phải quan tâm đến hạ tầng kết nối như hàng không, đường sắt, đường bộ…” - ông Chính nói.•

Năm 2023, TP.HCM hoàn thành nhiều dự án dang dở

Ban giao thông cho biết năm 2023, TP sẽ hoàn thành dự án cầu Long Kiểng (quận 7) vào cuối năm. Đồng thời, ban cũng sẽ tiếp nhận 15 mặt bằng từ các dự án dang dở được người dân chờ đợi rất lâu trong thời gian qua như các cầu Tăng Long, Nam Lý, Ông Nhiêu (TP Thủ Đức); Ông Bồn, Rạch Đĩa (huyện Nhà Bè), Phước Long (nối quận 7 với huyện Nhà Bè), hoàn thành cầu Vàm Sắt 2 ở huyện Cần Giờ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm