Sáng 18-9, UBND TP.HCM tổ chức hội thảo “Tầm nhìn và hành động lãnh đạo trong quản trị dữ liệu và chuyển đổi số TP.HCM”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy cùng Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Mariam Sherman, chủ trì hội thảo.
Người dân, doanh nghiệp không cần đến cơ quan nhà nước
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Lâm Đình Thắng, cho biết năm 2022, lần đầu tiên TP công bố cổng dịch vụ công là hệ thống thông tin thủ tục hành chính (TTHC) thống nhất trên toàn TP. Trong khi trước đó TP có hơn 40 cổng dịch vụ công mang tính chất rời rạc và riêng lẻ của sở, ngành, địa phương.
Đến năm 2023, TP nhận thức được tầm quan trọng của dữ liệu số và chọn chủ đề năm của chuyển đổi số là dữ liệu số. Đặc biệt, năm 2024, với sự tư vấn của Ngân hàng Thế giới, TP.HCM đã chính thức ra mắt chiến lược quản trị dữ liệu và là địa phương đầu tiên xây dựng được chiến lược dữ liệu cấp tỉnh, thành.
Theo ông Lâm Đình Thắng, từ đây đến năm 2026, TP.HCM xác định chuyển đổi số trên bốn trụ cột. Cụ thể, công nghiệp công nghệ thông tin; số hóa các ngành kinh tế; thúc đẩy quản trị của chính quyền TP dựa trên nền tảng số và dữ liệu số; trụ cột về dữ liệu số.
TP sẽ tập trung xây dựng dữ liệu số để nâng cao năng suất lao động của cán bộ công chức, hiệu lực hiệu quả chính quyền, phục vụ cho người dân, doanh nghiệp tốt hơn và phát triển kinh tế số.
Trên tinh thần đó, TP.HCM xác định mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ công tác quản trị hành chính của TP dựa trên dữ liệu và đưa lên nền tảng số.
“Tức là không chỉ số hóa hồ sơ mà toàn bộ quy trình phải được thực hiện trên nền tảng số và dịch vụ công phải đưa hoàn toàn lên trực tuyến toàn trình để người dân, doanh nghiệp không phải đến cơ quan nhà nước nữa” - ông Thắng nói và cho biết để làm được việc này thì phải xây dựng hệ thống quản trị dữ liệu TP dựa trên quy trình, chính sách và nền tảng để quản trị dữ liệu.
Theo Giám đốc Sở TT&TT, để quản lý dữ liệu, TP phải phát triển hạ tầng dữ liệu chung, đảm bảo kết nối, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau và với người dân.
“Phải phát triển một trung tâm dữ liệu, không chỉ lưu trữ, xử lý dữ liệu mà còn chia sẻ dữ liệu các sở, ngành TP với nhau, TP với Trung ương và cơ quan nhà nước với người dân, doanh nghiệp” – ông Thắng nhấn mạnh và thông tin TP sẽ bắt đầu khai thác nền tảng dữ liệu mở để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng hệ sinh thái TP.
Người dân sẽ không cần cung cấp bản sao
Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số Võ Thị Trung Trinh cho biết TP.HCM đang có các nền tảng số dùng chung, gồm hệ thống thông tin giải quyết TTHC, hệ thống quản trị thực thi, nền tảng số, nền tảng quản lý khu phố, ấp, app công dân số, tạo nên một trung tâm dữ liệu chính quyền điện tử TP.HCM, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa người dân và chính quyền.
Theo bà Võ Thị Trung Trinh, việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành và địa phương vẫn là rào cản lớn nhất đối với chuyển đổi số và làm sao phải phá bỏ được rào cản này. Chưa kể, TP vẫn còn khó khăn trong chia sẻ dữ liệu với quận, huyện, sở, ngành.
Bà cho rằng cần đẩy mạnh chiến lược dữ liệu để hình thành văn hóa sẻ dữ liệu, giúp chuyển đổi số thuận lợi hơn.
Bên cạnh đó, quy trình giải quyết TTHC hiện nay chưa đáp ứng được việc triển khai trên môi trường số. Theo bà Trinh, TP đang nỗ lực để tái cấu trúc lại quy trình TTHC, thay vì phải yêu cầu người dân cung cấp bản sao TTHC thì chỉ cần sử dụng dữ liệu dân cư trên cổng thông tin giải quyết TTHC.
Đối với việc cho ra đời app công dân số, bà Trinh thông tin trong giai đoạn đầu sẽ cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân.
“Làm sao tích hợp với các ứng dụng trực tuyến mà người dân đang sử dụng tại quận, huyện, sở, ngành tạo một công cụ trên di động để người dân tiện trao đổi với chính quyền mà không cần phải cài ứng dụng của từng đơn vị” – bà Trinh phân tích và cho biết dự kiến app công dân số sẽ ra mắt vào tháng 11-2024.
Dữ liệu số là chìa khóa của chuyển đổi số
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy, cho biết TP.HCM luôn ý thức “dữ liệu số” là một nền tảng, chìa khóa quan trọng để chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, chính quyền số và phát triển đô thị thông minh, bền vững.
Theo bà, hiện nay TP đã ban hành chiến lược quản trị dữ liệu của TP.HCM đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thể hiện sự quyết tâm của lãnh đạo TP trong quản trị dữ liệu và chuyển đổi số. Trong đó, vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện là rất quan trọng.
Do đó, Phó Chủ tịch Trần Thị Diệu Thúy đề nghị lãnh đạo sở, ngành, địa phương hiểu rõ và thống nhất tầm nhìn chiến lược của TP trong quản trị dữ liệu, xác định mục tiêu và hành động ưu tiên, trọng tâm của đơn vị.
Đồng thời, triển khai các hệ thống thông tin quản lý, tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo sau khi dữ liệu hoàn thiện đến đâu thì đưa vào hệ thống thông tin đến đó, dữ liệu phải luôn được cập nhật.
Bà Thúy giao Sở TT&TT phối hợp với Trung tâm Chuyển đổi số TP và các sở, ngành ban hành quy chế chia sẻ dữ liệu, bao gồm cả dữ liệu không gian địa lý nhằm đảm bảo dữ liệu được chia sẻ dùng chung và cập nhật thường xuyên...