Năm giải pháp phòng ngừa "đạo chích" xe hơi

5 giải pháp phòng ngừa đạo chích xe hơi

Nâng cao ý thức và có phương án phòng tránh hợp lý sẽ giúp bảo vệ chiếc xe được an toàn hơn.

Không chỉ ở Việt Nam, mà hầu hết người sử dụng xe hơi tại các quốc gia trên thế giới đều không khỏi lo lắng trước vấn nạn mất cắp đồ dùng trong xe, phụ tùng hay luôn cả chiếc xe.
Ở mỗi nơi, đạo chích lại thích “nhòm ngó” phụ tùng xe hơi theo kiểu khác nhau. Ngược với những nước phát triển, nơi kẻ trộm thường tìm cách đánh cắp cả chiếc xe, tại những quốc gia ít phát triển hơn thì phụ tùng xe hơi là những thứ dễ bị mất nhất. Ví như tại Cuba, xe hơi thường hay bị mất đầu đọc đĩa, hệ thông âm thanh và logo. Còn ở Ukraina, chi tiết xe hay bị “thuổng” nhất lại là gạt mưa và vô-lăng,…

Trong khi đó, “dân hai ngón” trên dải đất hình chữ S rất “khoái” gương chiếu hậu, các loại nẹp, logo và cả… bánh xe.

Rủi ro mất xe hay phụ tùng luôn tiềm ẩn đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, nếu có ý thức tự bảo vệ và tránh tâm lý chủ quan trong mọi tình huống, thì có thể phòng tránh và giảm thiểu được nguy cơ tài sản bị nẫng mất hoặc bỗng dưng trở thành “khuyết tật”.

Dưới đây là một số biện pháp an ninh mà VnEconomy hy vọng có thể sẽ giúp các chủ sở hữu phòng ngừa rủi ro cho chiếc xe hơi của mình. Bài viết được sự hỗ trợ của ông Nguyễn Hoàng Linh thuộc Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao Việt Nam), người đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ xe ở những quốc gia trên thế giới mà ông được cử đến làm việc.

1. Thói quen tự bảo vệ trước khi rời xe

Có ý thức giữ gìn tài sản cá nhân là biện pháp phòng ngừa mất trộm đơn giản nhất nhưng lại rất hiệu quả đối với đạo chích không chuyên nghiệp. Cách này sẽ gây cản trở quá trình “tác nghiệp” của “dân hai ngón” và loại bỏ được hành vi “tự tay dắt dê” đối với những người không có ý định ăn cắp.

Tìm chỗ đậu xe an toàn là bước đầu tiên nên áp dụng để bảo vệ tài sản của mình. Nếu bắt gặp nơi để xe có người trông giữ gần đích đến, đừng ngại đi bộ và tiếc một khoản chi phí nhỏ cho người giữ xe. Trường hợp phải đỗ xe ngoài đường (không có người trông), thì không nên chọn những nơi tối tăm, hẻo lánh và vắng người qua lại.

Trước khi ra khỏi xe, đừng quên kiểm tra lại tất cả các cửa sổ xe, nhất là cửa nóc (nếu có). Cất kín tài sản có giá trị, rút chìa khóa mang theo người và chắc chắn toàn bộ cửa xe đã được khóa chặt khi rời xe. Không giao chìa khóa cho người giữ xe, coi đây là vật bất ly thân.

Tuyệt đối không để xe nổ máy rồi bỏ ra ngoài, nhất là khi trong xe không có ai hoặc chỉ có trẻ em. Đừng chủ quan với tình huống này, bởi chỉ cần một vài phút bất cẩn là chiếc xe hoặc tài sản bên trong hoàn toàn có thể “không cánh mà bay”.

2. Trang bị thêm thiết bị bảo vệ

Ở một số dòng xe hiện đại, ngoài trang bị an toàn cơ bản như chìa khóa xe, còn có thêm thiết bị báo động phòng chống trộm cắp. Tuy nhiên, tại Việt Nam, số lượng xe có sự hiện diện hệ thống này như một trang bị tiêu chuẩn vẫn còn rất hạn chế. Do vậy, chủ sở hữu cũng nên tìm hiểu và trang bị thêm cho chiếc xe nếu có điều kiện.

Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng, mà có thể lựa chọn thiết bị cảnh báo bằng âm thanh hay camera theo dõi từ xa hoặc cả hai. Ngoài ra, hệ thống định vị GPS cũng là lựa chọn không tồi, nhất là với những người chuyên kinh doanh dịch vụ cho thuê xe hay những người thường để xe ngoài đường vào ban đêm.
 
Mặc dù vậy, không nên chủ quan khi xe đã được trang bị thêm các loại thiết bị bảo vệ. Nhiều trường hợp, các thiết bị điện tử có thể hoạt động không theo ý muốn và không phát huy được tác dụng. Do vậy, bạn nên kiểm tra bộ phận này thường xuyên và đừng quên khởi động hệ thống trước khi rời khỏi xe.

Thêm nữa, khi lựa chọn thiết bị cảnh báo, cần tìm hiểu kỹ công năng của thiết bị, khả năng tương tích kỹ thuật với hệ thống điện của xe. Và đặc biệt, không nên sử dụng loại không rõ nguồn gốc hoặc cũ.

3. Thiết bị chặn khởi động xe

Đây là biện pháp rất hiệu quả để phòng mất trộm xe, nhưng lại không giúp chủ sở hữu tránh khỏi nguy cơ mất đồ hoặc phụ tùng.
 
Có hai cách để áp dụng biện pháp này cho xe hơi. Bạn có thể sử dụng thiết bị ngoại vi từ một số nhà cung cấp để can thiệp ngắt hệ thống điện và ống dẫn nhiên liệu. Hoặc tạo thêm một công tắc điện (đặt ở vị trí kín đáo trong xe) trước đường cấp điện cho chìa khóa xe. Tuy nhiên, cách thứ hai đòi hỏi người thực hiện phải hiểu sâu về hệ thống kỹ thuật điện của xe và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động thông suốt của thiết kế ban đầu.  
 
Ngoài ra, biện pháp lắp khóa cho vô-lăng cũng là một giải pháp hiệu quả nếu không muốn động chạm đến hệ thống điện của xe.

4. Khắc mã số lên kính lái và gương chiếu hậu

Việc khắc mã số lên kính lái và gương chiếu hậu xe hơi cũng là biện pháp hạn chế việc mất trộm. Những chiếc xe có khắc mã số sẽ khiến những tên trộm phải tốn thêm chi phí thay thế bộ phận này trước khi đem đi tiêu thụ.  

Mã số sử dụng để gắn thường dùng luôn số khung xe (VIN - Vehicle Identification Number). Dãy ký tự này hầu như không có trùng lặp, do vậy sẽ rất khó để bán lại những chiếc gương chiếu hậu đã được “đóng dấu”.

Cách thức thực hiện này cũng khá đơn giản, khi mã số được in ra các miếng dán và dán trên kính bằng một loại keo đặc biệt. Sau vài phút, chỉ cần gỡ bỏ miếng dán là mã số sẽ được in mờ trên gương.

Một số chủ xe thường sử dụng một số biện pháp để chống trộm bằng cách gắn thêm bu-lông chống trộm bánh xe, xỏ cáp/xích vào kính chiếu hậu, bắn đinh tán ri-vê lên logo…

5. Khóa xe bằng biện pháp cơ học

Đối với những người phải để xe ngoài đường vào ban đêm, thì những biện pháp bảo vệ bằng các thiết bị điện tử sẽ không có nhiều tác dụng, đặc biệt với những tên trộm xe chuyên nghiệp.

Do vậy, việc kết hợp thiết bị bảo vệ với khóa xe cơ học cũng là một giải pháp không tồi. Trước khi bỏ xe lại ngoài đường, bạn có thể dùng khóa xích để liên kết các bánh xe lại với nhau,…

Trên tất cả, muốn chiếc xe phòng ngừa tốt nhất với đạo chích, người sử dụng nên có ý thức tự bảo vệ. Không nên ỷ lại vào các thiết bị hỗ trợ hoặc đỗ xe ở những nơi không đảm bảo an toàn.
Theo Phùng Kính Ngưu (VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm