Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tăng tuổi nghỉ hưu mới đây, Bộ LĐ-TB&XH cho biết việc đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung lớn đã từng được đặt ra trong quá trình soạn thảo luật nhưng chưa được Quốc hội thông qua. Trong quá trình xây dựng dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), vấn đề này lại tiếp tục được đặt ra và gây nhiều tranh cãi.
Tăng tuổi hưu để bảo vệ quỹ hưu trí, tử tuất
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc đề xuất tăng tuổi hưu có sáu nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân quan trọng nhất để đề xuất tăng tuổi hưu là bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất. Nếu tiếp tục giữ nguyên các quy định hiện nay về mức đóng - mức hưởng, thời gian đóng - thời gian hưởng thì quỹ hưu trí và tử tuất sẽ mất cân đối trong dài hạn, trong khi đối với một quỹ hưu trí thì tính bền vững tài chính của quỹ và tính đầy đủ trong mức hưởng của đối tượng là rất quan trọng.
Ngoài ra, nếu không nâng tuổi nghỉ hưu mà muốn đảm bảo bền vững tài chính của quỹ thì có hai cách: Nâng mức đóng của người lao động và doanh nghiệp hoặc giảm mức hưởng lương hưu của người lao động. Tuy nhiên, nâng mức đóng là khó vì tăng gánh nặng tài chính dẫn đến giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và khó khăn trong đảm bảo mức sống của người lao động. Giảm mức hưởng cũng dẫn đến khó đảm bảo cuộc sống của người hưởng lương hưu. Vì vậy, phương án được tính đến vẫn là đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu để cân bằng giữa thời gian đóng, mức đóng và thời gian hưởng, mức hưởng.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tác động cả đầu ra và vào của quỹ BHXH. Ảnh: NL
Ý kiến không đồng tình nói gì?
Theo Bộ LĐ-TB&XH, các ý kiến cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu vì năm lý do.
Thứ nhất, nhiều người lao động không muốn kéo dài thời gian làm việc mà mong muốn được nghỉ hưu với độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hằng tháng. Sau đó nếu làm việc thêm sau tuổi nghỉ hưu thì họ có hai khoản thu nhập. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu nghĩa là làm giảm quyền lợi của người lao động (mất đi khoản lương hưu hằng tháng).
Thứ hai, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên nước ta trong những năm vừa qua luôn cao hơn so với tỉ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Cơ cấu dân số của nước ta hiện đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và thời kỳ này còn kéo dài trên một thập niên nữa. Mô hình kinh tế của Việt Nam đang chuyển đổi từ mô hình thâm dụng lao động, phát triển theo chiều rộng sang mô hình phát triển theo chiều sâu. Tất cả yếu tố trên làm cho vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trẻ vẫn là một trong những áp lực lớn trong những năm tới đây.
Thứ ba, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu là không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 54,17. Tuy nhiên, có những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 (công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giày..
Thứ tư, kéo dài tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến chính sách cán bộ đối với khu vực hành chính Nhà nước, ảnh hưởng đến công tác quy hoạch cán bộ.
Thứ năm, nhiều người dân cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu chỉ có lợi đối với cán bộ, công chức khu vực hành chính, đây là biểu hiện của “tham quyền cố vị”.
Cần tính toán kỹ việc tăng tuổi nghỉ hưu
Ông Pham Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng các tổ chức thế giới hiện nay khuyên chúng ta tăng tuổi nghỉ hưu lên 65. Tuy nhiên, thể chất người Việt Nam khác với thế giới, đặc biệt trong thời điểm cung lao động lớn hơn cầu, tỉ lệ thất nghiệp đang cao, nên phải tính toán thật kỹ lưỡng.
Cũng theo ông Huân, nếu tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình phù hợp, mỗi năm chỉ nên tăng thêm ba tháng, đặc biệt phải chuẩn bị tâm lý cho người dân. "Đối tượng tăng đầu tiên phải công chức nhưng phải tùy từng ngành. Người lao động khu vực nặng nhọc, độc hại thì nhất quyết chưa tăng" - ông Phạm Minh Huân nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất hai phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Cụ thể, dự thảo đưa ra hai phương án. Phương án 1: Tuổi nghỉ hưu giữ như hiện hành, nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Phương án 2: Tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 1-1-2021 cứ mỗi năm tăng thêm sáu tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.