Nam phó tổng giám đốc bị cáo buộc dùng dép đánh nữ phó tổng giám đốc

Do ảnh hưởng dịch COVID-19, TAND tỉnh Đồng Tháp mới đây đã phải tạmhoãn phiên phúc thẩm xét xử bị cáo Phạm Ngọc Nguyên (38 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) cùng hai bị cáo khác về tội cố ý gây thương tích.

Hai phó tổng giám đốc ẩu đả vì chuyện đơn hàng

Theo bản án sơ thẩm (lần 2) của TAND huyện Châu Thành, ông Nguyên là phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Xuất nhập khẩu NH (trụ sở tại xã Tân Bình, huyện Châu Thành). Quá trình làm việc, ông Nguyên và bà CTTP (phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật) có bất đồng quan điểm trong giải quyết công việc dẫn đến mâu thuẫn.

Hai bị cáo Nguyên và An. Ảnh: HD

Sáng 30-8-2018, ông Nguyên báo cáo với tổng giám đốc công ty về việc làm mẫu bánh phồng tôm theo đơn đặt hàng của khách và được lãnh đạo đồng ý. Chiều cùng ngày, ông Nguyên kêu bị cáo Huỳnh Phú An (28 tuổi) và Trần Ngọc Nguyên Quế (53 tuổi) đến phòng kỹ thuật để đưa mẫu bánh phồng tôm cho bà P sản xuất theo yêu cầu của khách hàng.

Tuy nhiên, bà P không đồng ý vì chưa có hợp đồng ký kết. Do đó, An và Quế cự cãi với bà P rồi về báo cáo lại với ông Nguyên. Sau đó, cả ba người đến phòng bà P hỏi vì sao không làm thì được trả lời là “không thích thì không làm” dẫn đến hai phó tổng cự cãi và ẩu đả.

Bà P đứng dậy nắm cổ áo ông Nguyên, còn ông Nguyên nắm tóc, dùng tay đánh vào đầu và mặt bà P. Bà P cũng dùng tay đánh lại khiến mắt kính của ông Nguyên rơi xuống nền gạch, gãy làm đôi.

Lúc này, anh An và ông Quế cũng xông vào dùng tay đánh vào đầu, mặt bà P và hai bên tiếp tục xảy ra ẩu đả. Ông Nguyên tiếp tục nắm tóc, đè đầu rồi dùng chiếc dép hiệu Bitas đang mang đánh vào đầu nạn nhân nhiều cái. Ông Quế thì lấy mũ bảo hiểm đè vào vùng cổ, đánh vào hông của bà P.

Sự việc được nhân viên công ty can ngăn và trình báo Công an xã Tân Bình. Bà P được đưa đến BV đa khoa Sa Đéc điều trị đến sáng 31-8-2018 thì xin xuất viện. Sau đó, bà P tiếp tục đến BV Mắt, BV 115 tại TP.HCM khám và điều trị tiếp.

Biên bản xem xét dấu vết trên cơ thể bà P ngày 31-8-2018 do Công an huyện Châu Thành lập thể hiện “một vết phù nề đỏ ở da đầu, ở đỉnh đầu bên trái, một vết phù nề bầm tím ở vùng trán bên phải; bầm tím ở mi mắt và đuôi mắt bên phải, bầm tím ở mi mắt và đuôi mắt bên trái; một vết trầy xước dài 2 cm...”.

Kết luận giám định pháp y về thương tích của Trung tâm Pháp y tỉnh Đồng Tháp kết luận tỉ lệ tổn thương cơ thể của P là 18% với chấn thương mắt trái gây giảm thị lực mắt trái 3/10; chấn thương trên do vật tày tác động gây nên.

Tòa sơ thẩm lần 2 tuyên phạt bị cáo Nguyên chín tháng tù, An và Quế cùng bị phạt sáu tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội cố ý gây thương tích.

Chiếc dép da có phải là hung khí nguy hiểm?

Trước đó, xử sơ thẩm lần 1, TAND huyện Châu Thành đã tuyên phạt bị cáo Nguyên 12 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Bị cáo Nguyên kháng cáo kêu oan, bị hại cũng kháng cáo cho rằng cấp sơ thẩm bỏ lọt tội phạm.

Bản án phúc thẩm ngày 30-11-2019 của TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên hủy án sơ thẩm của TAND huyện do vi phạm nghiêm trọng tố tụng và còn nhiều mâu thuẫn.

Tòa phúc thẩm nhận định vật cứng trong vụ án là chiếc dép da hiệu Bitas, tuy cơ quan điều tra không thu được nhưng đã chụp ảnh lại. Bị cáo cũng chưa nhận sử dụng chiếc dép này để gây thương tích cho bị hại. Kết luận điều tra cho rằng bị cáo đánh bị hại bằng tay là chưa phù hợp với diễn biến sự việc và kết quả giám định pháp y.

Cáo trạng có đề cập đến việc bị cáo sử dụng dép đánh bị hại nhưng viện dẫn kết luận giám định pháp y lại không thể hiện do vật tày gây ra. Bản án sơ thẩm ghi nhận thương tích của bà P là 18% nhưng không ghi nhận do vật gì tác động.

Bên cạnh đó, diễn biến vụ án cho rằng bị cáo dùng dép da hiệu Bitas gây thương tích cho bị hại và xét xử bị cáo tội cố ý gây thương tích nhưng án sơ thẩm chưa phân tích, kết luận được thương tích của bị hại có phải do vật tày gây ra hay không, chưa làm rõ chiếc dép da hiệu Bitas có phải là hung khí nguy hiểm hay không, cũng không nhận định tại sao chiếc dép không phải là hung khí nguy hiểm.

Ngoài ra, quá trình điều tra, các lời khai do điều tra viên Bùi Văn Thương và cán bộ điều tra Nguyễn Văn Chắn tiến hành làm việc nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo, bị hại và những người làm chứng đều xác định họ chưa từng được làm việc với điều tra viên Bùi Văn Thương lần nào. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của bị cáo, bị hại.

Do không được làm việc với điều tra viên nên bị cáo, bị hại không được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định như quyền được biết kết luận giám định, quyền được khiếu nại... để họ biết và thực hiện. Trong khi đó, bị cáo Nguyên kháng cáo kêu oan, cho rằng không phạm tội; bị hại kháng cáo yêu cầu làm rõ sự thật khách quan của vụ án, xem xét tính đồng phạm.

Tòa phúc thẩm cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, có mâu thuẫn trong việc xác định, nhận định, phân tích kết quả giám định ở giai đoạn truy tố, xét xử và có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm nên cần phải hủy toàn bộ bản án sơ thẩm.

 

Từ người làm chứng thành bị cáo

Quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã khởi tố bổ sung đối với Huỳnh Phú An và Trần Ngọc Nguyên Quế. Sau khi TAND huyện Châu Thành xét xử sơ thẩm (lần 2), các bị cáo tiếp tục kháng cáo kêu oan.

Cụ thể, bị cáo Nguyên thừa nhận có xảy ra xô xát nhưng cho rằng thương tích của bị hại không phải do mình gây ra. Trong khi đó, hai bị cáo An và Quế lại cho rằng không tham gia đánh bà P. Từ người làm chứng, nay cả hai trở thành bị cáo với vai trò đồng phạm.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm