Mới đây ngày 25-9, UBND Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang có quyết định ban hành ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Gò Công.
Cụ thể, quyết định ngân hàng tên đường và công trình công cộng trên địa bàn Thị xã Gò Công gồm danh sách của 70 danh nhân, anh hùng dân tộc, nhà hoạt động cách mạng và 8 sự kiện lịch sử, địa danh; trong những nhân vật này có Nam Phương hoàng hậu - Nguyễn Hữu Thị Lan.
Theo ông Dương Văn Sanh - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Gò Công, những danh nhân, nhân vật lịch sử, anh hùng dân tộc, nhà hoạt động cách mạng khi được đưa vào ngân hàng tên đường và các công trình công cộng, địa phương có nghiên cứu lịch sử, tài liệu được sách sử ghi lại và những nhân vật này được xã hội, công chúng công nhận.
Đối với nhân vật lịch sử Nam Phương hoàng hậu, đã được Hội đồng tư vấn của huyện có ý kiến tham mưu, báo cáo UBND Thị xã Gò Công. Sau khi được các thành viên Uỷ ban thị xã thống nhất, nhân vật sẽ được lựa chọn đưa vào ngân hàng tên đường và các công trình công cộng trên địa bàn thị xã.
Ông Sanh cho biết: “Nếu sau này, địa phương có con đường hay công trình công cộng tầm cỡ, xứng danh với những danh nhân lịch sử thì sẽ lựa chọn trong danh sách ngân hàng tên đường và công trình công cộng để trình Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh xem xét, thẩm định để đặt tên”.
Ngoài hoàng hậu Nam Phương trong danh sách ngân hàng tên đường còn có Từ Dũ thái hậu (1810-1902). Bà tên thật là Phạm Thị Hằng, quê quán ở xã Long Thuận, thị xã Gò Công và nhiều danh nhân, anh hùng dân tộc, nhà hoạt động cách mạng khác...
Theo tư liệu, Nam Phương hoàng hậu tên thật Nguyễn Hữu Thị Lan (1914 - 1963), quê quán huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường (nay là Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Bà là vợ vua Bảo Đại, hoàng hậu cuối cùng của nhà Nguyễn và của chế độ phong kiến Việt Nam.
Bà có đủ những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, được nhân dân ca ngợi là một trong những đóa hoa xinh đẹp của vùng đất phương Nam.
Bà có 5 người con cùng vua Bảo Đại. Sau khi vua Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945, dù không còn là mẫu nghi thiên hạ, nhưng tấm lòng của một người dân đối với đất nước, chứng kiến cảnh chiến tranh do thực dân Pháp gây ra lần thứ 2 ở Việt Nam (1945 - 1954), bà đã thể hiện trách nhiệm của một công dân yêu nước bằng cách gửi một bức thông điệp cho bạn bè ở châu Âu và trên thế giới kêu gọi họ tố cáo tội ác của thực dân Pháp.
Hoàng hậu Nam Phương còn là người có công rất lớn đối với “Tuần lễ vàng” ở Huế. Tháng 9-1945, hoàng hậu Nam Phương đi dự khai mạc "Tuần lễ vàng”, bà đã góp hết trang sức đeo trên người để nuôi quân và mua súng đạn. Sau đó bà nhận lời làm chủ tọa “Tuần lễ vàng” ở Huế, kêu gọi quyên góp được 925 lượng vàng.
Năm 1947, Hoàng hậu Nam Phương cùng con gái sang Pháp định cư. Dù sống trong cảnh giàu có, sở hữu nhiều tài sản nhưng bà sống rất giản dị rồi mất vì bệnh vào ngày 14-9-1963. Ngôi mộ đơn sơ của bà đặt tại nghĩa trang nhà thờ Chabrignac (nước Pháp), kết thúc một câu chuyện đẹp về người đàn bà tài sắc, đức hạnh, mẫu mực của chế độ phong kiến Việt Nam.