Hình tượng rồng trong văn hoá Việt
Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang - Chủ nhiệm CLB Nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam Bộ, người học trò xuất sắc của cố GS-TS Trần Văn Khê cho rằng, hình tượng rồng là một phần không thể thiếu trong lịch sử và truyền thống của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là trong văn hóa Á Đông.
Khác với khái niệm của phương Tây, rồng là con vật hung ác. Hình tượng rồng trong văn hóa Việt đứng vào hàng bậc nhất trong tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng" - là một linh vật cao quý và linh thiêng, đại diện cho sức mạnh, quyền lực. Rồng còn in đậm tư duy nhận thức về nguồn cội và tâm linh, thể hiện khao khát và ước mơ về thành tựu tương lai.
Trong truyền thuyết lập quốc của Việt Nam, thông qua huyền sử Lĩnh Nam Chích Quái của tác giả là sử gia nhà Trần - Trần Thế Pháp đã kể lại, Lạc Long Quân là con trai thần Long Nữ, một vị thần thuộc nòi rồng, có sức mạnh vô song, ông giúp dân diệt trừ các loài yêu quái như Ngư Tinh, Hồ Tinh và Mộc Tinh, đồng thời dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở.
Sau khi kết hôn cùng Âu Cơ, họ đã sống với nhau rất hạnh phúc và đã sinh ra bọc trứng chứa 100 con, hai tiếng đồng bào (cùng bọc trứng sinh ra) đã bắt nguồn từ đây. Người con trưởng của họ là Vua Hùng Vương đã lập nên nhà nước Văn Lang.
Trong chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ được Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại, thì Đại La (Hà Nội ngày nay) là vùng đất “trạch thiên địa khu vực chi trung, đắc long bàn hổ cứ chi thế”, nghĩa là “nơi trung tâm trời đất có thế rồng cuộn, hổ ngồi”. Hai tiếng Thăng Long - rồng bay lên, trở thành tên gọi của kinh đô đầu thế kỷ XI, trở thành biểu trưng cho sức mạnh dân tộc, được gắn với đất đế đô.
Hình dạng rồng trải qua các thời kỳ từ thời Nhà Lý, Trần, Hậu Lê, Lê - Trịnh và thời nhà Nguyễn đều có sự thay đổi rõ nét, chuyển hóa dần từ hình ảnh thon gọn trở nên dũng mãnh, từ rồng không có sừng thời nhà Lý thành có sừng, từ 3 móng thành 5 móng, từ hình ảnh vòi rồng thành cặp mũi to, từ hình tượng rồng đơn thành một thành viên trong nhóm Tứ Linh hoặc nhóm gia đình rồng. Rồng thời Nguyễn trở lại với hình dạng uy nghi, biểu trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, ngậm chữ thọ, chầu mặt trời, chầu ngọc, chầu mặt trăng...
Niềm tin về Rồng trong năm Giáp Thìn
Hình ảnh rồng xuất hiện trong nghệ thuật truyền thống như đồ gốm, điêu khắc, tranh vẽ và thêu thùa. Hình tượng rồng thường được sử dụng để trang trí các công trình kiến trúc quan trọng, như các cung điện, đền đài và cơ sở thờ tự.
Bên cạnh đó, trong nhiều lễ hội quan trọng cũng thường có sự góp mặt của rồng nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa và thịnh vượng, như múa lân - sư - rồng, rồng hý thủy trong múa rối nước, thể điệu long đăng, long ngâm trong nhạc lễ của đờn ca tài tử.
Trong lĩnh vực văn học, rồng thường xuất hiện trong nhiều truyền thuyết và thần thoại, đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về sức mạnh và lòng dũng cảm như “Con rồng cháu Tiên”, “Con rồng tre”, “Con rồng biển”, “Long vương và ếch”... Văn học dân gian cũng không thể thiếu sự hiện diện của rồng, thông qua các ca dao tục như: “rồng đến nhà tôm”, “ăn như rồng cuốn - uống như rồng leo”, “thêu rồng - vẽ phượng”…
Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, rồng cũng được định danh trong địa lý và hiện tượng khí hậu. Nhiều địa danh ở Việt Nam mang tên "Rồng" để tôn vinh hình ảnh và giá trị của rồng như Thăng Long, Hạ Long, Cửu Long... Ngoài ra, trong quan niệm dân gian, rồng cũng có thể kiểm soát và báo hiệu thời tiết, thông qua một số hiện tượng khí hậu liên quan đến rồng như: Rồng đen lấy nước được mùa, rồng bạch lấy nước vợ vua đi cày.
Rồng được xem là linh vật của trời và đất, kết hợp giữa âm dương bằng viên ngọc có quyền năng phun lửa tạo mùa khô, phun nước tạo mùa mưa, rồng đại diện cho sự cân bằng và hài hòa trong tự nhiên. Rồng cũng thường được xem như là biểu tượng của sự hiển linh, thiêng liêng và sự bảo hộ nên hình ảnh rồng trên áo vua, sắc phong, đồ tế khí với nhiều họa tiết từ đơn giản, cách điệu đến sự phức tạp, cầu kỳ.
Thế đất tả Thanh Long (rồng xanh bên trái), hữu Bạch Hổ (hổ trắng bên phải), tiền Minh Đường (phía trước là khoảng sáng rộng hanh thông, hấp thụ ánh sáng trời - trăng - sao) và hậu chẩm (điểm dựa phía sau lưng) là các yếu tố về thế đất địa trạch quan trọng theo cách nghĩ của người xưa.
Trong Kinh dịch, giờ Thìn (giờ rồng) là từ khung giờ từ 07:00 - 09:00 được xem là thời khắc hanh thông, sáng sủa; tháng Ba âm lịch là tháng Rồng, mát mẻ và ngày mùng 10 Tháng Ba nhân dân tổ chức lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương để tri ân tổ tiên, nhắc nhớ nguồn cội Tiên - Rồng.
Trong lịch sử Việt Nam, có rất nhiều người tuổi rồng đã tạo nên dấu ấn vẻ vang về tài và đức như trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, đốc học Nguyễn Thượng Hiền, sử gia Đào Duy Anh, tiến sĩ Phan Thanh Giản, nhà thơ Xuân Diệu, anh hùng Trương Định, Phan Đình Phùng, cố Tổng Bí thư Trần Phú…
Người Việt tin rằng, sự hiện diện của rồng và năm Thìn mang lại sự may mắn, thịnh vượng và thành công trên cả mọi lĩnh vực cho những ai biết nắm bắt cơ hội và có ý chí quyết tâm phấn đấu.