Năm tù nhân Taliban đổi một tù binh Mỹ: Cuộc đánh đổi khó khăn

B. Bớc-đan (bên trái)trong thời gian bị Ta-li-ban giam giữ. Ảnh: Getty Images

B. Bớc-đan (bên trái)trong thời gian bị Ta-li-ban giam giữ. Ảnh: Getty Images

Cái giá không hề rẻ…

Ta-li-ban cách đây một ngày đã công bố đoạn băng video cảnh trao trả tù binh B.Bớc-đan diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, xem không khác gì một đoạn gay cấn, hồi hộp trong phim hành động của Hô-li-út. Trong bộ quần áo truyền thống của người Áp-ga-ni-xtan, tù binh B.Bớc-đan được đưa đến nơi trao trả tại khu vực A-li Sơ, thuộc tỉnh Khốt, gần biên giới Áp-ga-ni-xtan, trên một chiếc xe tải. Trong khi B.Bớc-đan ngồi đợi trên xe, các tay súng bịt kín mặt được bố trí đứng ngay cạnh xe và rải rác trên sườn đồi làm nhiệm vụ cảnh giới. Sau đó là cảnh một chiếc máy bay chiến đấu Black Hawk hạ cánh, B.Bớc-đan được các tay súng dẫn tới điểm hẹn và trao trả cho phía Mỹ.

Cuộc trao đổi được tiến hành với vai trò trung gian của Ca-ta. 5 tù binh Ta-li-ban được máy bay quân sự của Mỹ chở sang Ca-ta, nơi Ta-li-ban đặt văn phòng chính trị. Họ bị cấm đi khỏi Ca-ta trong ít nhất một năm, theo điều kiện phóng thích mà Mỹ và Ca-ta đã thỏa thuận.

Trung sĩ B.Bớc-đan, 28 tuổi, bị quân Ta-li-ban bắt giữ hồi tháng 6-2009, tại một căn cứ ở phía Đông gần khu vực biên giới Áp-ga-ni-xtan/Pa-ki-xtan. Hoàn cảnh B.Bớc-đan bị bắt giữ vẫn đang gây tranh cãi và được điều tra vì có thông tin cho rằng binh sĩ này đã đào ngũ. Cho đến nay B.Bớc-đan là tù binh Mỹ duy nhất trong cuộc chiến Áp-ga-ni-xtan.          

Cái giá của sự tự do cho B.Bớc-đan không hề rẻ đối với Oa-sinh-tơn. Chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã phải chấp nhận thả 5 tù nhân thuộc loại “cỡ bự” của chế độ Ta-li-ban đang bị giam giữ tại nhà tù Goan-ta-na-mô, nơi chuyên giam giữ những nghi can khủng bố. Trong suốt hai cuộc chiến của Mỹ tại I-rắc và Áp-ga-ni-xtan, đây là lần đầu tiên, Mỹ thực hiện một cuộc trao đổi tù binh kiểu này. Hành động “thả hổ về rừng” này được cảnh báo có thể tạo ra nguy hiểm tiềm tàng cho nước Mỹ, bởi không ai dám chắc các thủ lĩnh phiến quân này sau khi được trả tự do sẽ không tiếp tục chỉ huy các âm mưu chống lại nước Mỹ. Trong số 5 tù binh Ta-li-ban này có Bộ trưởng Nội vụ dưới chế độ Ta-li-ban, Khai-ru-la Kha-ớc-oa (Khairullah Khairkhwa), nhân vật có quan hệ trực tiếp với thủ lĩnh tinh thần Mu-la Ô-ma (Mullah Omar) của Ta-li-ban và trùm khủng bố Bin La-đen thuộc mạng lưới Al-Qaeda. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xếp 5 thành viên Ta-li-ban nói trên vào danh sách đặc biệt nguy hiểm vì ít nhất hai trong số này bị cáo buộc vi phạm tội ác chiến tranh khi tham gia giết hại hàng nghìn người Hồi giáo dòng Si-ai ở Áp-ga-ni-xtan.

Không xin lỗi”

Quyết định trên đối với Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng không phải dễ dàng. Bởi khi đưa ra quyết định này, chính quyền Oa-sinh-tơn đã bỏ qua nguyên tắc do chính mình đặt ra, đó là "không thương lượng với khủng bố”. Hơn nữa, việc tự đưa ra quyết định trao trả tù binh không thông qua Quốc hội là hành động vi phạm luật pháp Mỹ.

Chỉ ít ngày sau khi Trung sĩ B.Bớc-đan được thả tự do, Quốc hội Mỹ đã tỏ thái độ không bằng lòng với quyết định vượt quyền của chính quyền Tổng thống B.Ô-ba-ma. Các nghị sĩ Mỹ nổi giận vì Nhà Trắng không trao đổi và xin ý kiến hai viện của Quốc hội mà tự ý quyết định. Theo luật, mọi quyết định phóng thích tù nhân tại Goan-ta-na-mô đều phải được thông báo cho Quốc hội 30 ngày trước khi lệnh phóng thích có hiệu lực. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Đai-an Phên-xtên (Dianne Feinstein) tuyên bố chính quyền đã vi phạm luật pháp Mỹ. Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Giôn Bâu-nơ (John Boehner) cho rằng Nhà Trắng đã cố tình lờ đi nghĩa vụ phải thông báo trước với Quốc hội vì biết sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ các nghị sĩ.  

Để biện minh cho quyết định của mình, Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố với báo chí rằng, việc phóng thích 5 phiến quân Ta-li-ban để đổi lại sự tự do cho binh sĩ B.Bớc-đan là cần thiết. Ông khẳng định quyết định này dựa trên nguyên tắc bảo vệ các quân nhân Mỹ làm nhiệm vụ tại nước ngoài. Giải thích cho việc Nhà Trắng chỉ công khai thông tin này sau khi vụ trao đổi hoàn tất, Tổng thống B.Ô-ba-ma nêu rõ Oa-sinh-tơn muốn đảm bảo rằng không để tuột mất cơ hội giải cứu B.Bớc-đan. Nhà Trắng cũng giải thích rằng đây là một “tình huống độc nhất và cấp bách” buộc họ phải quyết định thực hiện không theo yêu cầu của luật định. Ông B.Ô-ba-ma còn cho là với tư cách Tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, ông có trách nhiệm đối với các quân nhân đang chiến đấu cho quê hương và vì thế ông sẽ tuyệt đối không xin lỗi khi phải mang một quân nhân an toàn về nước.

Sự chuẩn bị cho kế hoạch hậu chiến?

Tuy nhiên, theo các quan chức quân sự cấp cao của Mỹ, điều quan trọng nhất là thỏa thuận trao đổi đã phát đi một thông điệp ý nghĩa tới binh lính Mỹ đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Bộ trưởng Quốc phòng Chắc Hây-gơ khẳng định, các quan chức chính quyền đã hành động với niềm tin cuộc sống của người lính Mỹ này đang gặp nguy hiểm và quân đội phải bằng mọi giá đưa anh ta mau chóng ra khỏi Áp-ga-ni-xtan. Trong khi đó, một sĩ quan cấp cao của Lục quân Mỹ, tướng Ray-mon Ô-đi-ê-nô (Raymond Odierno) tuyên bố: “Tất cả các binh sĩ Mỹ được điều tới Áp-ga-ni-xtan sẽ trở về nhà-đó luôn là một ưu tiên cao độ… Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ một đồng đội nào lại phía sau”. 

Nhưng theo giới phân tích, động thái trên của chính quyền Oa-sinh-tơn có vẻ như để chuẩn bị cho kế hoạch hậu chiến ở Áp-ga-ni-xtan. Chính một số quan chức Mỹ cũng thừa nhận rằng, việc này sẽ giúp tiến xa hơn trong nỗ lực hòa giải với Ta-li-ban, một nhân tố không thể bỏ qua trong kế hoạch hậu chiến đầy khó khăn tại Áp-ga-ni-xtan. Không phải ngẫu nhiên, vụ trao đổi tù binh hy hữu này được thực hiện chỉ ít ngày sau khi Mỹ công bố kế hoạch rút quân khỏi Áp-ga-ni-xtan, theo đó sẽ rút toàn bộ 32.000 binh sĩ khỏi nước này đến cuối năm 2016.

Nhưng theo giới phân tích, cho dù các quan chức chính quyền Mỹ có cố giải thích cho hành động “tiền trảm hậu tấu” trong vụ trao đổi tù nhân như thế nào, Oa-sinh-tơn cũng không thể nhanh chóng khép lại vụ bê bối hứa hẹn còn nhiều rắc rối này.      

MAI NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm