Tuy nhiên, việc xác nhận này đã bị một số đối tượng lợi dụng trong việc giả mạo giấy tờ, giả người để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hiện nay việc giả giấy, giả người trong công chứng là một thực trạng đáng báo động vì gây thiệt hại về vật chất (có khi số tiền rất lớn). Ngoài ra, các hành vi giả mạo còn gây ra hậu quả bất ổn cho xã hội, làm mất lòng tin, ảnh hưởng đến uy tín của các cơ quan hành chính công quyền. Nhiều trường hợp “bỏ giấy chạy lấy người” có thể không tìm được kẻ lừa đảo nhưng ít nhất cũng giữ được giấy tờ giả để lưu ý trong nội bộ. Nó cũng hạn chế được việc họ đem giấy tờ giả đến các tổ chức hành nghề công chứng khác và có khả năng lừa các CCV khác.
Ông DƯƠNG THÁI HOÀNG, Trưởng VPCC Củ Chi
Giấy thật, người giả và ngược lại
Các loại giấy tờ giả mạo rất đa dạng: GCN nhà, đất; CMND; hộ khẩu; giấy khai sinh; giấy chứng nhận kết hôn; giấy đăng ký xe; giấy xác nhận về tình trạng hôn nhân; hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất; ủy quyền…
Việc giả mạo có khi đơn giản như chỉ sửa chữa, tẩy xóa, thêm bớt nhằm làm sai lệch nội dung giấy tờ; photocopy màu; in phun màu, in lưới, scan màu, bằng mắt thường có thể phát hiện được. Còn giả mạo tinh vi là tài liệu thật bị thay trang, giả dấu giáp lai; bị ghép nội dung bằng phương pháp sao chụp, cắt ghép (thay đổi nội dung phía trên rồi ghép với phần có chữ ký hoặc hình dấu phía dưới). Có loại giấy nửa giả, nửa thật là giấy có nội dung giả được in trên phôi thật nhưng giả mạo chữ viết, chữ ký, hình dấu.... Những loại này rất khó phát hiện mà phải qua giám định.
Ngoài ra còn có kiểu đối tượng dùng GCN cũ hết giá trị, báo mất để được cấp giấy mới, sau đó mang đi mua bán, thế chấp. Có loại giấy tờ giả sai thẩm quyền người ký, cơ quan cấp, thời điểm cấp giấy. Những trường hợp này cần phải có cập nhật, theo dõi hỗ trợ của công nghệ thông tin mới phát hiện được.
Việc giả mạo, mạo danh thể hiện qua nhiều thủ đoạn tinh vi nhưng thường có hai loại phổ biến. Một là người thật-giấy giả: Chủ sở hữu thật lập nhiều giấy tờ giả mạo được in ấn giống với giấy tờ thật để chuyển nhượng ở nhiều tổ chức hành nghề công chứng. Hai là người giả-giấy thật: Bằng cách nào đó đối tượng lấy được GCN thật và làm giả giấy tờ tùy thân, dùng hình ảnh và dấu vân tay của người mạo danh (như thay ảnh, đổi ảnh, thay dấu vân tay để phù hợp với người mạo danh). Loại này CCV rất khó phát hiện kể cả khi kiểm tra bằng hình thức lăn dấu vân tay để đối chiếu.
Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn là giả mạo chủ sở hữu, chủ sử dụng, sử dụng GCN thật, lập hợp đồng ủy quyền định đoạt bất động sản tại một tổ chức công chứng A rồi sau đó bán, chuyển nhượng tại một tổ chức công chứng B.
Ông HOÀNG MẠNH THẮNG, Trưởng PCC số 7, TP.HCM
Công an nên xử lý nghiêm
Tôi thấy lo ngại về việc làm giả giấy tờ, giả người ngày càng tinh vi hơn. Mới đây, chúng tôi cũng phát hiện một vụ làm giả GCN để công chứng và đã chuyển hồ sơ cho công an xử lý nhưng chưa có kết quả. Nếu công an không xử lý nghiêm thì nạn nhân của các đối tượng này không phải chỉ người tham gia giao dịch, CCV mà ngay cả cơ quan đăng ký đất đai cũng không nằm ngoài vòng pháp lý.
Ông TRẦN VĂN ĐÔNG, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký
đất đai quận 3, TP.HCM