Nạn “kim thiền thoát xác” của “bác sĩ” Trung Quốc

Ngày 26-3, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM để nơi này xử lý và xem xét trục xuất về nước đối với ông Zhuo Guang Sheng do hành nghề khám, chữa bệnh không phép tại Phòng khám Elizabeth (87-89 Thành Thái, quận 10 TP.HCM). Theo thanh tra, từ khi bị kiểm tra (11-3) đến nay, Phòng khám Elizabeth không cung cấp được chứng chỉ hành nghề của ông này. Xung quanh sai phạm tại Phòng khám Elizabeth, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS-BS Bùi Minh Trạng, Chánh Thanh tra Sở Y tế TP.HCM.

Luật không quy định cấm đổi tên

. Từ các vụ phòng khám Trung Quốc bị người dân tẩy chay nên Phòng khám Trung y đã đổi tên thành Phòng khám đa khoa Elizabeth để qua mắt người dân và tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Ông đánh giá thế nào về chiêu này?

+ Vấn đề cấp phép thuộc trách nhiệm xem xét của phòng Quản lý dịch vụ Sở Y tế. Tuy nhiên, cá nhân tôi nhận thấy việc cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở phải dựa vào giấy phép đăng ký kinh doanh được cấp bởi Sở KH&ĐT và hiện luật cũng không quy định cấm đổi tên…

Trước đây có một cơ sở massage trá hình bị phạt, họ không những không nộp phạt mà còn sang tên cho người khác. Cứ mỗi lần thanh tra xong là họ đổi tên cơ sở và sang nhượng để đổi tên người đứng đầu nhằm đối phó với cơ quan kiểm tra. Việc này đã được Sở Y tế phát hiện và cuối cùng phải xin ý kiến liên ngành mới xử lý được. Tất nhiên là đình chỉ hoạt động và không cấp phép tại địa điểm đó.

 
Ông Zhuo Guang Sheng
(phải) khám, chữa bệnh mà chưa có chứng chỉ hành nghề. Ảnh: TÙNG SƠN

. Một số bác sĩ Trung Quốc chạy từ phòng khám đã bị đình chỉ hoạt động sang phòng khám khác dù họ không có chứng chỉ hành nghề. Ngay tại Phòng khám Elizabeth, trong ngày kiểm tra, thanh tra cũng bắt gặp một bác sĩ từng làm ở Phòng khám Hiệp Hòa, một cô từng làm ở Huê Hạ. Lẽ nào họ cứ chạy lòng vòng mà không có hướng xử lý?

+ Tất cả cá nhân vi phạm đều được xử lý khi thanh tra phát hiện, một số bác sĩ Trung Quốc ở Phòng khám Hiệp Hòa đã bị cơ quan công an áp dụng biện pháp trục xuất và cấm nhập cảnh năm năm. Tuy nhiên, có phải người đã bị trục xuất rồi mà vẫn còn xuất hiện thì chúng tôi sẽ liên hệ cơ quan công an làm rõ. Việc cấp phép hoạt động như đã nói là do phòng Quản lý dịch vụ y tế thực hiện, trong đó có việc thẩm định về nhân sự. Việc có biết hay không những nhân vật này thì tôi không được rõ. Thanh tra chỉ quản lý giai đoạn hậu cấp phép nên chỉ xem xét ai được phép, ai chưa được phép hoạt động khám, chữa bệnh. Việc tại sao người nào đó được cấp phép thì xin dành cho phòng Quản lý dịch vụ y tế.

Nhiều người Trung Quốc hoạt động không phép

. Năm 2012, 2013, Sở Y tế đã nỗ lực dẹp nạn bác sĩ Trung Quốc đội lốt người Việt. Vậy hiện nay còn bao nhiêu phòng khám Trung Quốc và bao nhiêu bác sĩ Trung Quốc hoạt động trên địa bàn TP.HCM?

+ Theo thông tin chúng tôi nhận được từ phòng Quản lý dịch vụ y tế thì hiện có hai phòng khám có người Trung Quốc hành nghề (phòng khám Quốc tế và Elizabeth). Thanh tra Sở đang đề nghị phòng Quản lý dịch vụ y tế cung cấp danh sách các cơ sở y tế có người nước ngoài hành nghề cũng như danh sách người nước ngoài có chứng chỉ hành nghề đăng ký hoạt động để cùng quản lý. Vì lý do khách quan: Luật Khám bệnh, chữa bệnh yêu cầu làm lại chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động nên phòng Quản lý dịch vụ y tế đang phải tổng hợp và cập nhật tiếp.

. Quan điểm của thanh tra về hoạt động của phòng khám và bác sĩ Trung Quốc trên địa bàn như thế nào? Công tác chấn chỉnh, quản lý ra sao, thưa ông?

+ Không riêng phòng khám và bác sĩ Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực khám, chữa bệnh mà tất cả phòng khám, bác sĩ phải có đầy đủ giấy phép mới được hành nghề. Ngành y tế trân trọng sự đóng góp của tất cả tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia việc khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM.

Trong thời gian qua, Thanh tra Sở đã phát hiện nhiều người nước ngoài hoạt động khám, chữa bệnh không phép (Ý, Đức, Trung Quốc). Tuy nhiên, người Trung Quốc hoạt động không phép nhiều hơn. Thanh tra đã phối hợp với phòng Quản lý dịch vụ y tế tổ chức họp định kỳ với các phòng khám đa khoa trên địa bàn để phổ biến các quy định, nhắc nhở họ thực hiện đúng phạm vi chuyên môn kỹ thuật được phê duyệt, không sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề hoạt động khám, chữa bệnh… Chúng tôi sẽ đề xuất họp riêng với các phòng khám có người nước ngoài hành nghề để hướng dẫn kỹ càng về thủ tục, quy định đối với người nước ngoài và sẽ tổ chức thanh tra kiểm tra thường xuyên hơn.

. Xin cảm ơn ông.

DUY TÍNH thực hiện

 

Ngày 11-3, Thanh tra Sở Y tế kết hợp với Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM kiểm tra Phòng khám Elizabeth. Đoàn phát hiện nhiều kỹ thuật phòng khám không được làm nhưng vẫn làm như xét nghiệm HIV, viêm gan siêu vi B, tinh dịch đồ, “kéo dài dây thắng” ở nam giới. Một số chỉ định nội soi cổ tử cung, phụ khoa nhưng không có bác sĩ chỉ định. Phòng khám sử dụng các phương pháp trị liệu bằng vi sóng, máy hồng ngoại sóng ngắn, soi âm đạo điện tử nhưng chưa xuất trình được hồ sơ nguồn gốc. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân đến trị liệu nam, phụ khoa với giá cắt cổ.

Ngoài ra, phòng khám thực hiện quảng cáo trên website nhưng chưa xuất trình phiếu tiếp nhận quảng cáo. Đoàn kiểm tra tạm giữ 29 sổ khám bệnh và 33 phiếu chỉ định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm