Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải loạt bài điều tra về đường dây móc túi 16 thành viên tại trạm chờ xe buýt Suối Tiên với các bài viết: Khu “tam giác vàng” của các băng nhóm móc túi, Ngang nhiên móc túi, đánh người…, Thêm hai thành viên băng móc túi Suối Tiên sa lưới...
Theo bài viết Dân vui vì băng nhóm móc túi ở Suối Tiên bị dẹp , tính đến chiều 23-10, Công an quận Thủ Đức cho biết đã lấy lời khai của 8/16 người có liên quan trong băng nhóm móc túi nói trên, cũng như thu giữ tang vật là nhiều điện thoại để phục vụ công tác điều tra.
Hiện đã có khoảng 10 người là bị hại ở nhiều thời điểm khác nhau đến trình báo.
Ngay khi bài viết được đăng tải, nhiều bạn đọc và cả nạn nhân bị móc túi gửi về PLO thắc mắc xung quanh việc các nạn nhận có thể lấy lại tài sản đã bị mất hay không.
Trao đổi cùng Pháp Luật TP.HCM, luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết trường hợp CQĐT khởi tố vụ án hình sự để điều tra về tội trộm cắp tài sản thì những người bị mất trộm tài sản là bị hại trong vụ án hình sự và họ có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 62 BLTTHS. Theo điều luật này, bị hại được quyền đề nghị hình phạt, mức bồi thường thiệt hại, biện pháp bảo đảm bồi thường.
Nếu các cơ quan tiến hành tố tụng thu hồi được tài sản thì trả lại cho người bị hại. Trường hợp không thu hồi được tài sản hoặc tài sản đã bị các đối tượng tẩu tán thì bị hại có quyền yêu cầu bị can, bị cáo bồi thường thiệt hại. Khi đó bị hại cần có đơn và phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng để làm rõ tài sản, giá trị tài sản bị mất để làm cơ sở giải quyết vụ án.
Theo Điều 30 BLTTHS thì việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Trường hợp vụ án hình sự phải giải quyết vấn đề bồi thường thiệt hại, bồi hoàn mà chưa có điều kiện chứng minh và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án hình sự thì vấn đề dân sự (bồi thường) có thể tách ra để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Như vậy, trong vụ việc các đối tượng móc túi tại Suối Tiên, nếu tài sản bị mất trộm thu hồi được thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trả lại cho người bị hại. Trường hợp không thu hồi được thì người bị hại có quyền yêu cầu các đối tượng móc túi bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, người bị hại cần đưa ra các bằng chứng chứng minh cho yêu cầu bồi thường này.
Trường hợp người bị mất trộm tài sản không trình báo mà cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ và không xác định được người bị hại thì tài sản sẽ sung công quỹ nhà nước.