Chiều 6-5, chị Nguyễn Thị Hương Mai (24 tuổi, quận Hải Châu, Đà Nẵng), nạn nhân cuối cùng trong vụ tai nạn thảm khốc do chiếc xe giường nằm gây ra đã được đưa về nhà và không lâu sau đó chị đã qua đời.
Đáng buồn là chị Mai đang mang thai hai tháng sau bảy ngày hôn mê sâu đã không qua khỏi. Trước đó, trên cùng chiếc xe ô tô do chồng chị cầm lái còn có con của hai anh chị (hai tuổi), cha mẹ ruột, em ruột cùng mẹ chồng đã bị một xe khách giường nằm tông trực diện. Mọi người trên chiếc ô tô con này đến nay đều đã tử vong.
Trước đó, trưa 29-4, tại ngã tư Bà Nà - Suối Mơ (Hoàng Văn Thái nối dài) với đường tránh Nam Hải Vân - Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) xảy ra vụ tai nạn thảm khốc. Chiếc xe khách giường nằm của HTX Xe khách Trung Nam (TP.HCM) do Lê Nhật Phương cầm lái phóng như bay tông thẳng vào ô tô con ép dính vào mũi xe khách và ủi đi cả trăm mét. Người dân địa phương dùng xà beng cạy hai chiếc xe rời ra thì phát hiện bốn người trong ô tô con đã chết, ba người bị thương nặng được chuyển đi cấp cứu. Đến nay tất cả bảy người trên xe cùng thai nhi trong bụng mẹ đã chết.
Xe ô tô con bị tông trực diện làm bảy người trên xe chết hết. Ảnh: TẤN TÀI
Thông tin từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tốc độ xe khách giường nằm lúc gây tai nạn là 85 km/giờ nhưng theo Công an huyện Hòa Vang, tài xế Phương phóng đến 106 km/giờ. Do vậy, khi phát hiện xe ô tô con của các nạn nhân băng qua đường tránh, tài xế không xử lý kịp, đâm ngang và đẩy đi gần 120 m mới dừng lại.
Liên quan đến vụ việc, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã có văn bản hỏa tốc đề nghị Sở GTVT TP.HCM thanh tra toàn diện HTX Xe khách Trung Nam. Tổng cục cung cấp thêm, kiểm tra dữ liệu từ hộp đen trên hệ thống, hãng xe này có 143 xe nhưng có 27 chiếc không truyền dữ liệu theo quy định. Trong số 116 xe có truyền dữ liệu thì có 91 xe thường “đua tốc độ” với mức cao, từ 10 lần/100 km xe chạy trở lên. Từ đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT TP.HCM thu hồi giấy phù hiệu của chiếc xe khách gây tai nạn, thu hồi phù hiệu của những xe khác chạy quá tốc độ và cả 27 xe không truyền dữ liệu. Như vậy, có đến 119 xe (trong tổng số 143 xe) của HTX Xe khách Trung Nam bị đề nghị thu hồi phù hiệu, có thể sẽ tạm ngưng hoạt động trong một thời gian.
Tuy vậy, chuyên gia giao thông cho rằng trong vụ việc này có sự tắc trách của cơ quan quản lý. “Tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, mới được khánh thành hôm 25-4 và bốn hôm sau xảy ra tai nạn thảm khốc. Kể cả vụ tai nạn này thì từ ngày 25 đến 29-4 có nhiều vụ tai nạn liên tiếp. Điều này cho thấy việc thẩm định an toàn giao thông (một công việc bắt buộc trước khi đưa các công trình cầu, đường vào khai thác) có vấn đề. Do vậy, bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm của lái xe, của hãng xe thì không thể bỏ qua trách nhiệm liên đới của các cá nhân, đơn vị liên quan”.