Xe khách tông trực diện ở ngã tư là có sự tắc trách của cơ quan quản lý, khai thác các tuyến đường đã không đảm bảo các điều kiện an toàn cho người dân lưu thông. Ảnh:TẤN TÀI
Chiếc ô tô con bẹp dúm, vỡ nát thành nhiều mảnh. Ảnh:TẤN TÀI
“Đề nghị Sở GTVT TP.HCM tổ chức thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô đối với HTX xe khách Trung Nam và xử lý vi phạm theo quy định”, ngày 6-5, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã ký văn bản hỏa tốc đề nghị như trên.
Kiểm tra dữ liệu từ hộp đen trên hệ thống, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam nhận thấy, khi qua ngã tư Bà Nà suối Mơ - đường tránh Nam Hải Vân (đoạn qua thôn Phú Hạ, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), chiếc xe khách 74B-002.37 đã lao với tốc độ quá cao, đến 85km/giờ và gây ra vụ tai nạn thảm khốc, làm sáu người chết, một người bị thương nặng.
Mở rộng kiểm tra các xe khác của hãng xe đò này thì có 91/116 xe (có truyền dữ liệu) “đua tốc độ” ở mức cao, từ 10 lần/100 km xe chạy trở lên. Ngoài ra, hãng xe này có tổng cộng 143 xe nhưng có 27 chiếc không truyền dữ liệu theo quy định.
Từ đó, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị Sở GTVT TP.HCM thu hồi giấy phép hoạt động (phù hiệu) của chiếc xe đã gây tai nạn nêu trên; đồng thời thu hồi phù hiệu của những xe khác chạy quá tốc độ đã được ghi nhận qua hộp đen và thu hồi phù hiệu của 27 xe không truyền dữ liệu.
Nếu như đề nghị này được thực hiện thì có đến 119 xe (trong tổng số 143 xe) của HTX xe khách Trung Nam bị thu hồi phù hiệu, sẽ phải tạm ngưng hoạt động trong một thời gian.
Tài xế xe khách “đua tốc độ”
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, ngày 29-4 tại giao lộ Hoàng Văn Thái - đường tránh Nam Hải Vân, chiếc xe khách giường nằm biển số 74B-002.37 của HTX xe khách Trung Nam (TP.HCM) chạy với tốc độ cao đã tông thẳng vào một chiếc ô tô con. Hậu quả làm bốn người trên xe con chết tại chỗ, hai người chết tại bệnh viện và một người bị thương nặng.
Gia đình nạn nhân cho biết, trước đó, hai vợ chồng ông Nguyễn Văn Bình (65 tuổi) và bà Phan Thị Bích Huế (54 tuổi) nhân ngày lễ từ Quảng Bình vào Đà Nẵng thăm con gái và sui gia là gia đình bà Nguyễn Thị Bảy.
Anh Nguyễn Hoàng Nam (28 tuổi, trú quận Hải Châu) cầm lái chiếc ô tô con chở bố mẹ vợ, mẹ ruột (bà Bảy), vợ (Nguyễn Thị Hương Mai, 24 tuổi, lại đang mang thai), con (Nguyễn Chí Hoàng Nguyễn, hai tuổi) và em vợ Nguyễn Thị Hương Trang (21 tuổi) dự định đi chơi ở khu du lịch Bà Nà Suối Mơ. Tuy nhiên, buổi đi chơi không thực hiện được, anh Nam cho xe trở về nhà nhưng đến giao lộ nêu trên đã bị chiếc xe khách giường nằm tông trực diện.
Chiếc xe khách đâm mạnh, làm ô tô con dính vào mũi trước của xe khách và ô tô con bẹp dúm, vỡ nát thành nhiều mảnh. Người dân địa phương dùng xà beng cạy hai chiếc xe rời ra thì phát hiện bốn người đi trong ô tô con đã chết, ba người bị thương nặng được chuyển đi cấp cứu.
Ba người bị thương nặng được đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, được các y bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng do bị thương quá nặng nên bà Huế và chị Trang đã không qua khỏi. Nạn nhân còn lại là chị Nguyễn Thị Hương Mai bị chấn thương sọ não, gãy xương đùi trái và hôn mê sâu, đang được điều trị tích cực trong phòng hồi sức cấp cứu.
Tắc trách của cơ quan quản lý
Sau khi vụ việc xảy ra, tài xế xe khách giường nằm đã bị tạm giam. Chiếc xe khách cũng vi phạm đã rõ. Tuy nhiên, điều đáng nói trong vụ tai nạn này có sự tắc trách của các cơ quan quản lý.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ (còn gọi là đường Hoàng Văn Thái nối dài) có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng, mới được khánh thành hôm 25-4 và bốn hôm sau xảy ra tai nạn thảm khốc nêu trên.
Đáng nói, đường Bà Nà - Suối Mơ cắt ngang đường tránh Nam Hải Vân (thuộc Quốc lộ 1A) có lưu lượng xe qua lại rất đông. “Mặc dù mới đưa vào hoạt động nhưng trước hôm xảy ra tại nạn thương tâm nêu trên, tại ngã tư này đã xảy ra ba vụ tai nạn liên tiếp. Trước đó, một xe máy đã bị xe ô tô chà nát rồi sau đó hai xe ô tô va quẹt nhau” - một người dân địa phương cho biết.
Theo quan sát của phóng viên, tại thời điểm xảy ra tai nạn, nút giao thông này có đèn tín hiệu nhưng chỉ có đèn vàng nhấp nháy cảnh báo, trong khi các đèn xanh, đèn đỏ thì không được kích hoạt.
Tổng Cục đường bộ Việt Nam có liên đới?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, ngay khi hoàn thành tuyến đường đã cho lắp đèn cảnh báo. Tuy nhiên, đoạn đường này do Tổng Cục Đường bộ Việt Nam quản lý nên muốn mở đèn xanh - đèn đỏ thì phải xin ý kiến của họ. “Trong thời gian chờ duyệt, Sở GTVT chỉ mới cho đèn vàng hoạt động để cảnh báo. Nhưng hôm tai nạn xảy ra, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đến hiện trường chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả tai nạn đã chỉ đạo cho vận hành hệ thống đèn tín hiệu giao thông này ngay lập tức, sau đó xin ý kiến tổng cục sau” - ông Trung nói.
Nếu như lời ông Trung nói là đúng thì Tổng Cục đường Bộ Việt Nam sẽ phải liên đới trách nhiệm trong vụ tai nạn này.
Ngoài ra, theo quy định, các công trình hạ tầng giao thông trước khi đưa vào khai thác phải qua bước thực hiện việc thẩm định an toàn giao thông. Theo đó, trước khi chấp thuận đưa các công trình cầu, đường mới xây dựng hoặc được sửa chữa, nâng cấp đưa vào khai thác thì cơ quan có thẩm quyền phải có bước đánh giá nguy cơ để đưa ra các biện pháp giảm thiểu và loại trừ tai nạn giao thông thông trong quá trình khai thác.
Trong khi đó, tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài cắt ngang đường tránh thuộc quốc lộ 1A tiềm ẩn nhiều rủi ro gây tai nạn (thực tế từ ngày đưa vào khai thác hôm 25-4 và đến ngày 29-4 đã có bốn vụ tai nạn xảy ra) mà vẫn được đưa vào khai thác rồi xảy ra nhiều vụ tai nạn liên tiếp thì công việc “thẩm định an toàn giao thông” theo quy định đã được các cơ quan chức năng xem xét, thực hiện ra sao?
Đây cũng là một câu hỏi cần được trả lời rõ nhằm xác định trách nhiệm liên đới cụ thể của các cơ quan, cán bộ lãnh đạo, cán bộ tham mưu trong vụ tai nạn. Điều này là cần thiết vì làm rõ nó sẽ là sự cảnh báo mạnh mẽ cho việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng đối với tính mạng người dân lưu thông trên đường.