NGÀY PHÁP LUẬT NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (9-11)

Nâng cao ý thức pháp luật: Việc không của riêng ai

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật TP.HCM, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

“Đưa pháp luật vào cuộc sống, nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật một cách tự nguyện của mọi người là vấn đề cốt lõi trọng tâm của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” - ông Nguyễn Văn Vũ nói.

Nhiều mô hình hiệu quả

+ Ông Nguyễn Văn Vũ

. Phóng viên: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như việc triển khai ngày Pháp luật ở TP.HCM thời gian qua có gì nổi bật, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Văn Vũ: Qua năm năm thực hiện, ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (ngày 9-11 hằng năm) đã trở thành một sự kiện chính trị-pháp lý quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc với cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng.

Hiện nay, đa số người dân, các cấp chính quyền, đoàn thể, xã hội biết đến ngày Pháp luật và mục đích ý nghĩa của ngày này. Từ đó cho thấy có sự chuyển biến tích cực của các cấp chính quyền về nhận thức điều hành, quản lý nhà nước, có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao về công tác thực thi pháp luật.

TP.HCM rất quan tâm và có chỉ đạo cụ thể về công tác này. Tất cả sở, ban ngành, đoàn thể, UBND quận/huyện, xã/phường/thị trấn (tùy theo lĩnh vực, điều kiện của từng đơn vị) trên địa bàn TP cũng đồng loạt tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về ngày Pháp luật như tổ chức mít-tinh, tọa đàm, hội thảo, ngày hội…

. Vậy TP.HCM đã có những mô hình hay sáng kiến gì để đưa pháp luật vào cuộc sống, thưa ông?

+ Để đưa pháp luật vào cuộc sống, đến với người dân thì có nhiều sáng kiến, cách làm có hiệu quả như:

Mô hình “Ngày hội pháp luật” tại TP.HCM. Đây là cách làm có sức lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của mọi tầng lớp cán bộ, công chức, người lao động, chiến sĩ lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân.

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng có mô hình “Ngày hội phụ nữ và pháp luật” rất hay. Qua đó giúp chị em phụ nữ nắm bắt những quy định pháp luật liên quan đến bản thân và cập nhật các chính sách pháp luật mới như về hôn nhân gia đình, hộ khẩu, khai sinh, kết hôn…

Sở Xây dựng có mô hình “Ngày hội chung cư” tổ chức trang bị kiến thức pháp luật cho người dân sống trong nhà chung cư về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của ban quản trị, chủ đầu tư trong việc quản lý nhà chung cư. Qua đó xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó sống tình làng nghĩa xóm trong cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, TP còn có nhiều mô hình khác như “Ngày hội pháp luật cho công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ” do Liên đoàn Lao động TP tổ chức bằng hình thức tư vấn pháp luật miễn phí, trao sổ tiết kiệm cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Mô hình phổ biến giáo dục pháp luật trên Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM, báo Pháp Luật TP.HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng… Góc cà phê sáng tại Bình Tân…

Tất cả mô hình này tạo sự lan tỏa tích cực, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật.

Người dân nhận văn bản pháp luật miễn phí khi đến tham gia ngày hội pháp luật năm 2015.  Ảnh: HOÀNG GIANG

Cần tất cả chung tay góp sức

. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại TP.HCM đã đáp ứng được mong muốn bức thiết của người dân TP và kỳ vọng của Bộ Tư pháp, UBND TP chưa, thưa ông?

+ Có thể nói công tác tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật tại TP.HCM những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, để cho rằng công tác này có đạt được sự mong muốn của người dân và kỳ vọng của chính quyền trong việc nâng cao nhận thức pháp luật hay chưa thì tôi chưa dám khẳng định. Bởi lẽ pháp luật chỉ trở thành công cụ điều chỉnh tốt nhất hành vi khi được chấp nhận, chấp hành một cách tự nguyện, tự giác và nó thực sự trở thành nhu cầu tự thân, có ý thức của mỗi người. Muốn trở thành nền văn hóa pháp luật, nâng cao trình độ văn hóa thì phải xây dựng lối sống theo pháp luật. Điều này thể hiện một cách thường xuyên, tạo lập thành thói quen ứng xử theo pháp luật của con người ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh.

Ý thức pháp luật của từng cá nhân là hết sức quan trọng, cơ bản, không ai có thể làm thay, làm thế cho họ việc này. Chúng ta có tuyên truyền, có giáo dục pháp luật bằng nhiều cách khác nhau để truyền tải thông tin pháp luật đến từng nhà, từng người nhưng chỉ cần từ trong ý thức của họ là tuân thủ pháp luật thì việc vi phạm đương nhiên sẽ không xảy ra.

Việc xây dựng không phép, trái phép, vượt đèn đỏ, gây mất trật tự công cộng, xả rác bừa bãi… và cả việc có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, tham nhũng… trong cán bộ, công chức ở nơi này nơi kia có thể xảy ra không phải do các chủ thể này không hiểu biết pháp luật mà là do họ cố tình vi phạm. Đó là ý thức vi phạm pháp luật có chủ định từ bản thân các chủ thể.

Theo tôi, cần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức và nhân dân. Đây là vấn đề cốt lõi trọng tâm. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật không chỉ là việc của riêng ai, của ban ngành nào mà nó là của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, xã hội…

Quận 10 tổ chức ngày hội Pháp luật năm 2017

Ngày 8-11, UBND quận 10 đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng Hội Luật gia quận long trọng tổ chức “Ngày hội Pháp luật năm 2017” tại hội trường UBND quận.

Phát biểu tại ngày hội, ông Trần Văn Phước (Trưởng phòng Tư pháp quận 10) đã ôn lại truyền thống ngày Pháp luật Việt Nam. Mục đích của ngày hội nhằm tôn vinh hiến pháp và pháp luật, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của ngày Pháp luật Việt Nam trong đời sống xã hội. Ngoài ra, ngày hội còn nhằm đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật, nhu cầu được tư vấn pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn quận. Đẩy mạnh việc phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật cho phụ nữ…

Tham dự ngày hội, người dân được thưởng thức các chương trình ca nhạc, tiểu phẩm hài vui nhộn, đố vui có thưởng. Thông qua đó, ban tổ chức khéo léo lồng ghép vào nhiều kiến thức pháp luật bổ ích, thiết thực. Ngày hội còn giới thiệu nhiều sách, báo liên quan đến pháp luật...

THANH VÂN

. Những công việc trọng tâm sắp tới của Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật TP là gì, thưa ông?

+ Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai “Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo chí và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại TP.HCM giai đoạn 2015-2018”.

Song song đó, chúng tôi sẽ chủ động xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của từng nhóm đối tượng và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật cho các nhóm đối tượng đặc thù và người dân tại các địa bàn trọng điểm, địa bàn đô thị hóa, ngoại thành, khu công nghiệp, khu nhà trọ, địa bàn có nguy cơ vi phạm pháp luật.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tăng cường hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên cập nhật, đăng tin, bài có nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trên báo đài, trang thông tin điện tử, hệ thống phát thanh của cơ quan, đơn vị, địa phương. Vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngày Pháp luật hằng tháng và ngày Pháp luật hằng năm. Phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các lĩnh vực có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ và đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân tại địa phương.

. Xin cám ơn ông.

Tôn vinh hiến pháp, pháp luật…

Theo Điều 8 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, ngày 9-11 hằng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

Theo Nghị định số 28/2013 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật), ngày Pháp luật được tổ chức hằng năm vào ngày 9-11. Ngày Pháp luật được tổ chức với các nội dung: Khẳng định vị trí, vai trò của hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội. Giáo dục cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật. Tuyên truyền, phổ biến các quy định của hiến pháp, pháp luật thiết thực với đời sống của nhân dân, gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm